Lịch sử không khô cứng, lịch sử không khó gần

Câu chuyện của Thành Lộc để lại một thông điệp rất đáng suy ngẫm. Đó là từ quá lâu rồi, chúng ta dường như đã bỏ quên lịch sử trong nhân dân, tức là lịch sử trong đời sống, thông qua các câu chuyện thường ngày...

NSƯT Thành Lộc (Ảnh: Thanh niên)

Cách đây chưa lâu, NSƯT Thành Lộc có chia sẻ trên trang cá nhân của anh một câu chuyện khá thú vị. Anh bàn về trang phục sân khấu, cụ thể là về vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, với phần phục trang của giặc Đông Hán lại theo kiểu Mãn Thanh với tóc tết đuôi sam, cạo nửa đầu phía trước.

Thành Lộc nhấn mạnh rõ ràng rằng, trang phục sân khấu như thế là không đúng với lịch sử và khi dựng lại vở “Tiếng trống Mê Linh”, anh có đề xuất hãy phục dựng đúng với phục trang ở thời đại đó.

Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình ngại rằng khán giả đã quá quen mắt với phục trang “sai lệch” kia suốt nhiều thập niên rồi nên họ có thể sẽ có phản ứng với một thay đổi khá quyết liệt như vậy. Thành Lộc đành chấp nhận lời giải thích đó nhưng anh vẫn luôn canh cánh trong lòng.

Sau đó, anh có xem một vở cải lương nội dung tương tự, cũng về thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, do một đoàn cải lương phía Bắc dựng. Anh cảm thấy cách phục trang trung thành với thời đại lịch sử mà đoàn này đã sử dụng rất đẹp, rất thuyết phục.

Tuy nhiên, lại có những khán giả hâm mộ Thành Lộc nên than phiền với anh trên trang cá nhân rằng “phục trang ấy kỳ quá”, khiến Thành Lộc phải giải đáp, và khẳng định rằng: “Như thế mới là đúng, như thế mới là đẹp”.

Câu chuyện của Thành Lộc để lại một thông điệp rất đáng suy ngẫm. Đó là từ quá lâu rồi, chúng ta dường như đã bỏ quên lịch sử trong nhân dân, tức là lịch sử trong đời sống, thông qua các câu chuyện thường ngày; thông qua các kênh chuyển tải đa dạng, gần gũi khác nhau... và chỉ cố tập trung vào thứ lịch sử “chính thống”, thứ lịch sử được khẳng định bởi cái tên của các sử gia khác nhau, xem như đó mới là thứ lịch sử đáng tham khảo nhất và độc nhất.

Phải chăng, tình trạng học sinh ngán ngẩm môn lịch sử suốt nhiều năm qua cũng bắt nguồn từ chỗ lịch sử của nhân dân, trong nhân dân đã bị bỏ qua?

Thực tế, loài người cất tiếng nói trước rồi mới bắt đầu tìm cách mã hóa nó thành chữ viết. Bởi thế, lịch sử của loài người được ghi lại sớm nhất phải nhờ truyền khẩu, nhờ vào các loại hình sinh hoạt đa dạng và gần gũi trong đời sống xã hội.

Thứ lịch sử phổ biến trong chiều dài tồn tại của nhiều chủng tộc, dân tộc cũng chính là sử thi, tức là đọc lại sử bằng thơ, chứ không phải là những pho sách ghi lại dữ kiện theo đúng quy tắc của một môn khoa học. Thứ lịch sử ấy sống lâu bền hơn mọi thứ lịch sử “chính thống” nào. Và nuôi dưỡng được sức sống mãnh liệt cho thứ lịch sử ấy cũng chính là cách để vun đắp sự trường tồn của một dân tộc, một quốc gia.

Đã quá lâu chúng ta quá thiếu những sản phẩm, tác phẩm chuyển tải các câu chuyện lịch sử đa dạng, đa dị bản và gần như để cho các sản phẩm kể chuyện sử nước ngoài thống trị trên thị trường nội địa.

Chúng ta có thể say mê những thước phim hành động về Diệp Vấn, những thước phim thực ra chính là thứ lịch sử dân dã kể về một thời của nước bạn, qua lăng kính của võ học nhưng chúng ta lại thờ ơ với chính những câu chuyện tương tự như thế của dân tộc mình. Đó gần như là một vết thương lớn, một vết thương kéo dài nhưng vẫn có thể chữa lành nếu chúng ta chịu cứu chữa ngay từ bây giờ.

Lịch sử không khô cứng, lịch sử không khó gần. Nhưng lịch sử sẽ chết nếu chúng chỉ là sử sách. Lịch sử sẽ không bao giờ chết nếu vẫn còn lịch sử truyền lại trong nhân dân, và khởi đi cũng từ nhân dân.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lich-su-khong-kho-cung-lich-su-khong-kho-gan-post160367.html