Lịch sử của những con đê kiên cường

Con đê là một phần của sông xứ Bắc. Trên triền đê, trẻ con thả diều, trai gái hò hẹn những đêm trăng sáng. Đời người dài rộng thế, bao kỷ niệm gắn liền với con đê quê nhà.

Hình ảnh con đê và dòng sông uốn lượn quanh làng đã in sâu trong tâm trí nhiều người. Ảnh: Tranh của họa sĩ Trần Nguyên.

Một con người sinh trưởng ở miền Nam và chưa hề ra thăm miền Bắc có lẽ khó hình dung ra thân thể một con đê. Còn người miền Bắc, hình dạng con đê đã ngấm vào máu thịt, gần như trở thành một bộ phận của cuộc đời mình.

Đê nằm đấy dài nghìn cây số và dài cả nghìn năm. Nhà nghiên cứu bảo rằng nó được sinh ra từ thời vua nhà Lý. Nhà cổ tích lại nói nó là một tướng của Sơn Tinh được khai sinh từ thời các vua Hùng.

Còn chúng ta, đê được gọi là con đê nghĩa là một cơ thể sống, một hình hài có hồn phách như đất nước Việt Nam này, sinh ra từ đời cha, đời ông, đời cụ…và là ký ức, hoài niệm từ đời cụ của cụ để lại, là phấp phỏng và thơ mộng, là lo toan và bình yên, là cần cù và sức mạnh suốt bao đời.

Có gì gấp gáp, thắc thỏm, kinh hoàng hơn hồi trống ngũ liên khi đê vỡ? Có gì đập mạnh và não nề hơn khi tia pháo hiệu vút lên như ngôi sao tóe lửa khi con đê quằn quại, vỡ toác thân mình dưới làn nước dữ của con mãng xà hung bạo lũ cuồng?

Tục ngữ còn đó: “Oai oái như phủ Khoái xin tương”. Cả một vùng Khoái Châu mênh mông đồng bằng Bắc bộ mười tám mùa hè liên tiếp theo nhau đê vỡ ục, nước réo ào ào, cuồn cuộn đến ngọn cỏ cũng không còn, cây tre chết rụi, trâu bò bị cuốn trôi, con người đói lả phải lang bạt bốn phương, đeo cái bị cói, chống chiếc gậy tre, cầm chiếc bát mẻ chìa ra xin chút cặn tương bố thí cầm hơi bằng ngọn rau cằn.

Đến nay vùng Văn Giang đất cũ, nhiều làng còn di tích hồ ao, chuôm đầm của miệng lũ xô qua.

Cũng thật lạ, giữa vùng từng oai oái ấy, thôn Đa Hòa, nơi bờ sông Cái, sông Mẹ, sông Hồng, lại sừng sững một ngôi đền tịch mịch thách thức thời gian. Ngôi đền thờ dành riêng cho một chuyện tình yêu. Ngôi đền cao vọi, bóng đa, cành gạo, hương lan, hoa nhãn cùng những gốc vạn tuế như hàng mi mắt giai nhân… thay cho ông Thiện, ông Ác cầm rìu, cầm búa canh đền.

Tản văn Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. Ảnh: H.H.

Chuyện kể rằng công chúa Tiên Dung con vua Hùng thứ sáu rong ruổi thuyền chơi từ Phong Châu, Bạch Hạc đến đây gặp bãi cát tự nhiên, nàng ghé bến, quây màn để tắm. Khi tắm, vai mát rượi những gáo nước sông Hồng cũng là lúc lộ ra trong cát dưới chân nàng một thân hình vạm vỡ mặc bộ y phục lọt lòng mẹ.

Hai cái sững sờ, một chớp lửa tình yêu để hai cơ thể hòa vào làm một tâm hồn, họ hóa thành tiên bay vút lên trời, bay la đà vào huyền thoại dân gian, thành ước mơ, duyên phận để đời sau thờ mối tình đó thay cho cung kiếm, đầu rơi máu chảy.

Bờ đê sông Hồng nơi đó vẫn uy nghi nhang khói, bất chấp những hoàng hôn đỏ lự chiếu trên mặt lũ đổ về hay mùa xuân bàng bạc sương lam phủ lên hồn sông có thuyền đi lơ lửng…

Cuộc sống của những mái tranh nghèo theo năm tháng gửi tính mệnh vào nghìn dặm đê xanh, cho ngoài bãi ngô đậu ra hoa trên cát non trinh bạch như da con gái, trong đồng mùa lúa rập rờn gió lượn theo gió ấm no.

Những lá buồm nào, từ buồm cói, buồm nan, buồm cót đến buồm vải căng phồng, cánh dơi vắt chéo, dẻ quạt khiêm nhường… cứ êm đềm mà le lói lửa chài năm canh xuôi ngược, cho những tấm chài bắt cá quăng ra bắt được cả mặt trời trên sông lấp lánh cầu vồng bảy sắc… vẫn yên tâm trên bờ đã có hai thân đê uốn lượn căng mình chắn sóng.

Đi trên sông khoan thai mái chèo, nhìn lên hai bên bờ thấy mình được ở giữa hai bức tường thành cao rộng, uy nghi vững chãi mà bền lòng tin tưởng, dù đó chỉ là tường đất, thứ đất sét từ thuở hồng hoang để lại, cha ông đã bồi đắp bằng máu và mồ hôi.

[…]

Băng Sơn/Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/lich-su-cua-nhung-con-de-kien-cuong-post1461318.html