LHQ quan ngại về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza sau ba tháng giao tranh

Ngày 5/1, LHQ đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra tại Dải Gaza cũng như những thách thức đối với sứ mệnh nhân đạo tại dải đất này sau 3 tháng bùng phát xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.

Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống TP Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống TP Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết trong thông cáo phát đi ngày 5/1, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo (OCHA) của LHQ Martin Griffiths cảnh báo Gaza đã trở thành vùng đất không thể sinh sống được và người dân đang phải đối mặt với các mối đe dọa tính mạng hàng ngày.

Ông kêu gọi Israel và Hamas tuân thủ các trách nhiệm và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế về bảo vệ dân thường, đồng thời nhấn mạnh hiện nay các tổ chức nhân đạo không thể thực hiện được sứ mệnh hỗ trợ hơn 2 triệu người dân tại Dải Gaza.

Ông Griffiths nói rõ các hoạt động nhân đạo đang gặp rất nhiều thách thức, khi chính những nhân viên viện trợ nhân đạo cũng bị thiệt mạng hoặc phải sơ tán khi các đoàn xe chở hàng bị tấn công, thông tin liên lạc bị cắt đứt, đường bộ bị hủy hoại và các mặt hàng thương mại thiết yếu hầu như không có.

Cũng theo thông cáo, nạn đói đang xảy ra tràn lan ở Gaza. Ba tháng kể từ khi bùng phát xung đột giữa Hamas và Israel hôm 7/10, Dải Gaza đã trở thành vùng đất của chết chóc và tuyệt vọng. Các bệnh truyền nhiễm lây lan ở những khu lưu trú quá tải và người dân rơi vào cảnh thiếu thốn trầm trọng.

Vì thế, ông Griffiths kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng mọi ảnh hưởng có thể để chấm dứt giao tranh, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của dân thường và phóng thích tất cả các con tin.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/1 thông báo nước này và Jordan đã phối hợp thả 7 tấn hàng viện trợ từ máy bay cho dân thường và đội ngũ nhân viên cứu trợ ở Gaza, trong bối cảnh Israel tiếp tục oanh tạc vùng lãnh thổ của Palestine.

Trên mạng xã hội X, Tổng thống Macron chia sẻ: “Trong bối cảnh khó khăn, Pháp và Jordan đã chuyển viện trợ bằng đường hàng không cho người dân và đội ngũ hỗ trợ họ”. Nhà lãnh đạo Pháp đánh giá “tình hình nhân đạo vẫn còn nghiêm trọng ở Gaza” sau 3 tháng xung đột.

Tổng thống Macron đăng bức ảnh chụp một phi công đứng trên đường dốc chất/dỡ hàng của một máy bay quân sự, với những chiếc dù có thể nhìn thấy trên bầu trời bên dưới. Theo Điện Élyseé, “hoạt động cực kỳ phức tạp” này diễn ra vào cuối ngày 4/1 nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa quân đội Pháp và Jordan.

Tổng thống Macron xác nhận mỗi quốc gia đã cử một máy bay vận tải C-130 cùng với các phi hành đoàn hỗn hợp Pháp - Jordan, mang theo tổng cộng 7 tấn hàng viện trợ “nhân đạo và y tế”. Các kiện hàng của Pháp và Jordan đều được trang bị hệ thống dẫn đường từ xa để đảm bảo hàng viện trợ tới được bệnh viện dã chiến của Jordan đang hoạt động ở Dải Gaza.

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, giới chức phương Tây đẩy mạnh hoạt động ngoại giao con thoi nhằm xoa dịu tình hình.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 7/1 sẽ tới Israel trong chuyến công du Trung Đông thứ 4 kể từ khi nổ ra xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/1, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer thông báo trong chuyến công du, bà Baerbock dự kiến sẽ hội đàm cùng tân Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz và Tổng thống Isaac Herzog về tình hình khu vực.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Baerbock cũng sẽ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Bộ trưởng Nội vụ trong Chính quyền Palestine Riyad al-Maliki. Sau Israel, bà sẽ tới Ai Cập để gặp người đồng cấp Sameh Shoukry và cũng dự định đến Libăng.

Theo người phát ngôn Fischer, các cuộc hội đàm sẽ tập trung thảo luận về tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza, tình hình ở Bờ Tây và những bất ổn ở biên giới Israel - Liban, cũng như những nỗ lực nhằm đảm bảo thả thêm con tin.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng xung đột giữa Israel và Hamas có thể lan rộng sau khi một trong những thủ lĩnh của lực lượng này bị ám sát ở ngoại ô thủ đô Beirut của Libăng. Trong ngày 3/1, Đức cũng đã kêu gọi công dân rời khỏi Liban càng sớm càng tốt.

Cũng trong ngày 5/1, phát biểu trước báo giới với người đồng cấp Luxembourg Xavier Bettel, Ngoại trưởng Baerbock cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực, khẳng định cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường ở Dải Gaza, cũng như không thể để xảy ra việc chiếm đóng Dải Gaza.

Ngày 5/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến công du Trung Đông kéo dài khoảng một tuần. Đây là cũng là chuyến công du thứ 4 của ông Blinken đến khu vực này kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10/2023.

Theo thông báo, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đến cả Israel và Bờ Tây - nơi đặt trụ sở Chính quyền Palestine. Ông cũng thăm 5 nước Ả-rập gồm Ai Cập, Jordan, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/311994/lhq-quan-ngai-ve-tinh-hinh-nhan-dao-tai-dai-gaza-sau-ba-thang-giao-tranh.html