LHQ kêu gọi EU không đưa 'tiêu chuẩn kép' về Ukraine và Gaza

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần thể hiện mối quan tâm tương tự đối với dân thường trong cuộc chiến ở Dải Gaza cũng như trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ngày 21/3. Ảnh: AP

ABC News đưa tin, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 21/3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục tôn trọng các tiêu chuẩn được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

“Nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế là bảo vệ dân thường. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ở Ukraine cũng như ở Gaza mà không có tiêu chuẩn kép,” ông Guterres nói với các phóng viên khi đứng cạnh Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel - người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh EU.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu với báo giới, ngày 21/3. Ảnh: AP

Tuyên bố của người đứng đầu Liên Hợp Quốc được đưa ra trong bối cảnh EU đã chi hàng chục tỷ USD để hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga, trong khi mới chỉ thông qua Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh về việc kêu gọi “tạm dừng nhân đạo ngay lập tức để dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững tại Gaza”.

Tuyên bố chung kêu gọi “Chính phủ Israel kiềm chế hoạt động trên bộ ở Rafah”, giải thích rằng “một hoạt động như vậy sẽ gây ra hậu quả nhân đạo tàn khốc và cần phải tránh”.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ireland Leo Varadkar cũng đã đề cập đến tình trạng “tiêu chuẩn kép” của EU trong bình luận của ông với báo giới.

“Thành thật mà nói, phản ứng của châu Âu trước cuộc khủng hoảng kinh hoàng ở Palestine là chưa đầy đủ. Tôi nghĩ điều này đang làm suy yếu những nỗ lực đặc biệt của chúng tôi trong việc bảo vệ Ukraine. Bởi vì nhiều quốc gia ở phía nam bán cầu, hay là hầu hết thế giới, đang cho rằng các hành động của châu Âu liên quan đến Ukraine so với Palestine là tiêu chuẩn kép. Tôi nghĩ họ có lý,” ông Leo Varadkar nhận định.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh: AP

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh rằng: “Hiện nay chúng ta thấy nhiều người đang cố gắng kiếm ăn bằng cách ăn cỏ. Họ là những người đang trên bờ vực của nạn đói. Châu Âu cần dẫn đầu chứ không phải tuân theo. Đã đến lúc chúng ta phải nói rõ rằng: ‘Yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, yêu cầu giải phóng các con tin’”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz - người đã đến thăm Israel vào cuối tuần trước, khẳng định: "Chúng tôi không ủng hộ một cuộc tấn công lớn ở Rafah. Bản thân tôi đã nhấn mạnh điều đó ở Israel và chúng tôi hy vọng rằng giờ đây sẽ có thể thực hiện được một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn. Điều này cũng liên quan đến việc thả tất cả con tin và bàn giao các thi thể".

Người dân Palestine xếp hàng nhận thức ăn miễn phí tại trại tị nạn Jabalya, Gaza, ngày 18/3. Ảnh: AP

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, nói rằng: "Những gì đang xảy ra ngày hôm nay ở Gaza là sự thất bại của nhân loại. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Đây là sự thất bại của nhân loại".

Theo RT, cho đến nay, EU đã phản ứng với cuộc xung đột tại Ukraine bằng cách áp đặt 13 gói trừng phạt kinh tế đối với Nga và viện trợ hơn 80 tỷ Euro (86,5 tỷ USD) về quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev. Con số này không bao gồm các khoản viện trợ song phương được các quốc gia thành viên riêng lẻ gửi cho Kiev. Ngược lại, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ chi 150 triệu Euro (162,2 triệu USD) viện trợ cho Gaza trong năm nay.

Các phương tiện bị phá hủy sau cuộc không kích của Nga vào thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 21/3. Ảnh: AP

Cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10/2023 khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel bằng hàng nghìn quả rocket, khiến hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng và 253 con tin bị đưa sang Dải Gaza. Để đáp trả, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Dải Gaza, bao gồm tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên bộ.

Cơ quan Y tế Gaza cho biết tổng số người thiệt mạng tại khu vực này lên tới gần 32.000 người, với 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Khoảng 1,5 triệu người dân Palestine đang trú ẩn tại Rafah sau khi các cuộc oanh tạc của Israel đã san bằng các khu vực lân cận.

Một gia đình Palestine ăn bữa sáng trong tháng Ramadan ở bên ngoài một ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, ngày 18/3. Ảnh: AP

Theo Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc (UNOSAT), ít nhất 35% tổng số tòa nhà ở Dải Gaza đã bị hư hại, trong đó có hơn 31.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Cơ quan Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) cảnh báo tình trạng thiếu lương thực ở Gaza đã vượt quá mức nạn đói và người dân trong khu vực này sẽ sớm chết đói ở quy mô lớn nếu không có lệnh ngừng bắn.

Trong khi đó, Israel tuyên bố sẽ quyết tâm tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lhq-keu-goi-eu-khong-dua-tieu-chuan-kep-ve-ukraine-va-gaza-post32907.html