'Leveraging water for peace' - 'Nước cho hòa bình'

Ngày nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Leveraging water for peace" - "Nước cho hòa bình". Thông điệp "hòa bình" được phát ra trong bối cảnh an ninh nguồn nước thế giới đang gặp nhiều thách thức, nhấn mạnh quyền con người trong tiếp cận nước và vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Chung tay bảo vệ tài nguyên nước, tỉnh Sơn La đã và đang phát động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng.

Sông Đà có tiềm năng lớn về thủy điện, du lịch và nuôi thủy sản.

Hơn 70% diện tích bề mặt trái đất là nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt có thể sử dụng và nước sạch còn khan hiếm hơn. Bởi vậy, nước sạch có vai trò quan trọng đối với con người. Nước là một trong những nguồn tài nguyên quý giá, cần cho mọi sự sống và phát triển trên trái đất. Nước vừa là môi trường, đồng thời là mạch nguồn sự sống.

Sơn La là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà dài 280 km, với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu. Tổng lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm; tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất gần 4 triệu m3/ngày.

Cũng như nhiều địa phương khác, tài nguyên nước của Sơn La đang chịu áp lực ngày càng tăng bởi các tác động của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Hạn hán, lũ lụt... cùng sự gia tăng dân số, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng không chỉ trong đời sống hàng ngày, cả trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp... đã và đang đặt ra nhiều thách thức với nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Quan trắc viên Trạm môi trường Tà Hộc, huyện Mai Sơn, lấy mẫu nước, đo các thông số tại hiện trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Chung tay bảo vệ tài nguyên nước, những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước tới đông đảo các tầng lớp nhân dân; Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030; thẩm định các nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở quy hoạch, phương án được phê duyệt, các ngành, các cấp quyết tâm thực hiện đảm bảo nguồn nước được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; phê duyệt dòng chảy tối thiểu trên các suối chính; phê duyệt danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn tỉnh và các địa phương đã hoàn thành việc trám lấp; cắm mốc vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Công tác cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước triển khai thực hiện đáp ứng các quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn. Đến nay, tỉnh Sơn La có 199 giấy phép tài nguyên nước.

Phát dọn cỏ dại, rác xung quang khu vực hang nước Tát Tòng, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Tại thành phố Sơn La, từ thành thị tới nông thôn, bảo vệ môi trường và nguồn nước luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng triển khai quyết liệt. Tại tổ 6, phường Quyết Tâm, thay vì rác không được phân loại, gây khó khăn trong công tác xử lý rác, hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước như trước đây, thì nay, nhiều hộ gia đình có thùng phân loại rác từ mô hình điểm được triển khai của Hội Phụ nữ phường Quyết Tâm.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quyết Tâm, chia sẻ: Tháng 6/2023, Hội triển khai mô hình điểm “Chung tay phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình với mục tiêu 3 sạch – sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ” tại tổ 6, quy mô 10 hộ hội viên. Tham gia mô hình, mỗi hộ được phát 1 thùng rác 2 ngăn, túi phân loại rác và bao tải thu gom rác; hướng dẫn cách thu gom, phân loại và cách sử dụng chế phẩm EM ủ rác thải hữu cơ tạo phân bónt rau, hoa, cây cảnh không mùi. Mô hình đã thay đổi và tạo thói quen trong thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, nhân rộng trên 50 hộ, chúng tôi đang triển khai nhân rộng tại tổ 5 và tiến tới các tổ trong phường.

Ông Đoàn Xuân Thi, Trưởng phòng TN&MT Thành phố Sơn La, cho biết: Hửng ứng ngày nước, chiều 21/3/2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính các xã, phường và đoàn thanh niên phường Chiềng An ra quân phát cỏ, nhặt rác xung quang khu vực hang Tát Tòng – nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân Thành phố. Sáng cùng này, Thành phố đã tổ chức Hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND Thành phố với Chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024.

Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Phòng TN&MT, huyện Mai Sơn tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2024...

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn nước thải của các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê.

Ông Hà Nam Linh, quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn, thông tin: Huyện đã kiện toàn đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản của các tổ chức, cá nhân. Tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi: Hành nghề khoan nước dưới đất mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thăm dò nước dưới đất không có giấy phép; lắp đặt đường ống, xả nước thải có thông số ô nhiễm môi trường thông thường vào hệ thống thoát nước chung.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tùy theo điều kiện thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương, đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới, như: Tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức tuyên truyền trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng phát sóng nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc tuyên truyền tập trung vào phổ biến Luật Tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền vận động cộng đồng không lấn chiếm sông, suối, ao, hồ; vận động trồng rừng bảo vệ nguồn nước.

Ngành nông nghiệp tích cực tuyên truyền sử dụng các giống cây trồng chống biến đổi khí hậu, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ; làm tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có và công tác trồng rừng theo kế hoạch hằng năm. Nhiều cơ sở đoàn, tổ chức nhiều hoạt động gắn với hưởng ứng Ngày nước thế giới, xây dựng nếp sống xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, như: Tuyên truyền người dân phân loại rác thải tại nguồn; ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống, rãnh…

Hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ cho cây ăn quả tại HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Trước các diễn biến khó lường của thời tiết và biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán là hiện hữu, tỉnh Sơn La tiếp tục tăng cường năng lực dự báo, quan trắc cảnh báo sớm về tài nguyên nước để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, chất lượng nước, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/leveraging-water-for-peace-nuoc-cho-hoa-binh-2cdzEB1Sg.html