Leo núi cùng con

Mẹ con tôi và những người bạn yêu thiên nhiên vừa tham gia trải nghiệm chinh phục ngọn núi được mệnh danh là “nóc nhà của Nha Trang”: Hoàng Ngưu Sơn. Đây là cuộc thử thách lớn so với núi Cô Tiên mà chúng tôi thường leo. Đường đi lên núi Hoàng Ngưu Sơn không quá hiểm trở nhưng cũng đòi hỏi sức khỏe và nghị lực bởi nhiều đoạn dốc dễ bị trượt, lại quanh co trong rừng kín nên rất nóng. Suốt một hành trình băng rừng lội suối, vượt qua những tầng tầng lớp cây lá, dây leo, đá tảng thật vất vả, khó nhọc nhưng tâm hồn người đi được thưởng thức trảng cỏ ngút ngàn rợp bay trong gió núi, những vạt hoa mua, hoa sim tím ngát. Đến các điểm cao, chúng tôi nhìn về phía đông thấy thành phố đang tím hoàng hôn với các tòa nhà cao nghiêng về phía biển. Nơi đó có mái nhà của chúng tôi vừa đây thôi mà đã xa xăm ngút ngàn tầm mắt.

Mẹ ạ! Lên dốc khó hơn xuống dốc. Cậu bé 15 tuổi bắt đầu bày tỏ theo bước chân mới mẻ của mình. Cuộc đời là vậy, tiến về phía trước khó khăn biết bao, nhất là đi về phía có điểm cao mà mình chưa từng tới. Vì thế, trong cuộc sống con cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể bước tiếp. "Đường dễ đường khó không quan trọng bằng con đường đúng”. Cậu bé lại chiêm nghiệm từ câu nói của người thầy dẫn đường, mà đúng thế nào thì chỉ có thời gian phía trước mới trả lời.

Trong hành trình leo núi vất vả ấy, chợt ta định nghĩa về hạnh phúc thật sự giản đơn. Trong hoàn cảnh khát khô cổ, ước được tu một chai nước lọc hay chỉ là một ly nước mía 10 ngàn đồng cũng đã là chân ái; mới thấy trân quý hạnh phúc bình dị mà đời thường ta chẳng coi trọng, mới tiết kiệm từng giọt nước, miếng cơm.

Leo núi, nhất là những đoạn đường nguy hiểm cần sự tập trung cao độ nhưng đừng vì vất vả mà quên gần gũi với thiên nhiên, quan sát ngắm cảnh. Hãy tận hưởng và học hỏi suốt hành trình. Học sự thông thạo và điềm đạm của người dẫn đường. Tận hưởng từng bông hoa nhỏ bé rực rỡ của đại ngàn, những cái cây xòe tán rất to, những thảm cỏ lau mênh mông hay phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thiên nhiên hùng vỹ, hay chỉ là hít căng lồng ngực đón cơn gió mát lành và bầu không khí trong veo… Quản trị cảm xúc cũng vô cùng cần thiết. Không vì lo lắng mà sợ hãi, không vì bực tức, ấm ức mà mất tình thân, không vì sự cảm tính mà phán đoán chủ quan. Không vì say mê cảnh đẹp mà quên quan sát dưới chân là vực sâu, sự nguy hiểm trong gang tấc.

Hãy bảo vệ sự trong lành của núi rừng. Qua trải nghiệm, chúng ta chỉ mang về tình yêu thiên nhiên, bài học và những bức ảnh đẹp. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân và giọt mồ hôi. Đoàn chúng tôi gom rác và xử lý trước khi rời núi. Bạn ấy có chút lo lắng nhiều người chinh phục thì ngọn núi này có bị mất đi sự bình yên? Họ có mang túi ni lông, chai nhựa lên đây và để lại? Băn khoăn của con, tôi để ngỏ mà không trả lời. Tự hào và quảng bá vẻ đẹp quê hương theo cách nào mà vẫn bảo vệ được sự trong lành và hoang dã của thiên nhiên, sẽ có giải pháp khi tất cả đều yêu rừng và chung tay.

Xuống núi rồi, nhìn lại ngọn núi và con đường xa thăm thẳm đã đi qua, mẹ hỏi con trai: “Con cảm thấy thế nào?”. Con điềm đạm nhưng không giấu được xúc động: “Con không nghĩ mình trở về từ đỉnh núi cao thăm thẳm kia”.

“Con thấy đó, một chặng đường gian nan như thế con còn chinh phục được thì sắp tới mọi con đường cũng vậy thôi”.

Chúng tôi trở về trong nắng chiều thành phố rực rỡ.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/leo-nui-cung-con-6702df7/