'Lênin đã mất'

'Lênin đã mất!' là lời mở đầu, sự thấu cảm thể hiện niềm tiếc thương vô hạn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi V.I.Lênin từ trần trong bài viết 'Lênin và các dân tộc thuộc địa' đăng trên Báo Pravđa cách đây 100 năm. Đây cũng chính là tình cảm và sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày mất của lãnh tụ V.I.Lênin vĩ đại (21-1-1924/ 21-1-2024).

Là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; người sáng lập Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; người thầy của cách mạng vô sản và các dân tộc thuộc địa toàn thế giới, khi V.I.Lênin từ trần đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng nhân dân tiến bộ; vì vậy, Người viết: “Lênin đã mất!".

Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng, những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lênin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó” (1).

Lãnh tụ V.I.Lênin. Ảnh: TTXVN

Lãnh tụ V.I.Lênin. Ảnh: TTXVN

Tôn vinh V.I.Lênin là “người dũng cảm nhất”, người truyền cảm hứng, người thầy của cách mạng thế giới và Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tư cách là người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chỉ ra những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp giải phóng toàn diện, không chỉ nhân dân Liên Xô, mà hơn thế nữa là giải phóng các dân tộc khác nữa và giải phóng toàn nhân loại khi chỉ ra mục tiêu, con đường, lực lượng cách mạng để thực hiện sự nghiệp vĩ đại ấy: “Nhưng không phải chỉ có thế. Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi, của tất cả bọn rumi: toàn quyền, công sứ, v.v.. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể” (2).

Đối với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, mà còn có niềm tin lớn lao, kiên trì tiếp nối sự nghiệp vĩ đại, con đường cách mạng trong những lời di huấn quý báu mà V.I.Lênin đã để lại và tri ân một cách sâu sắc: “Còn chúng tôi, những người cộng sản, những người sinh ra ở các thuộc địa, chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buồn chung của nhân dân các nước với những người anh người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các phân bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa, sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?” (3). Đây chính là tinh thần “biến đau thương thành hành động cách mạng” và tình cảm yêu mến chân thành đối với V.I.Lênin của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, của nhân dân ta và những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới.

Cuối cùng Người kết luận: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” (4). Bởi vì, không ai khác và hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người trực tiếp tiếp nhận và hiện thực hóa những di huấn và những bài học sâu sắc của V.I.Lênin để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhưng, với tinh thần cách mạng và không ngừng sáng tạo của người yêu nước, người cộng sản chân chính, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không sao chép V.I.Lênin, mà Người tiếp thu cái tinh thần của Chủ nghĩa Lênin. Coi Chủ nghĩa Mác-Lênin là cái cẩm nang thần kỳ nhưng Người cũng luôn nhấn mạnh rằng cần phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân đạo (L'Humanite') vào ngày 15-7-1969, Người khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác - Lênin” (5).

Thay cho lời kết, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày mất của V.I.Lênin, chúng tôi xin nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người yêu nước Việt Nam cố gắng thực hiện những lời dạy bảo của Lênin, tức là kỷ niệm Lênin một cách xứng đáng, vì đó là con đường đưa chúng ta đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” (6).

-------

(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.256; tr.256; tr.257; tr.257

(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.589.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.289.

Thượng tá, TS HÀ SƠN THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/lenin-da-mat-762196