Lệnh truy nã đúng luật luôn có giá trị

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25-9 có bài “Trốn lệnh truy nã” phản ánh chuyện hơn 14 năm trước, sau khi đâm chết người, Trần Chinh bỏ trốn đến Vĩnh Long, Cần Thơ làm ăn sinh sống.

Tháng 1-2010, Chinh bị bắt theo lệnh truy nã. Ngày 24-9, Chinh bị TAND TP.HCM phạt 20 năm tù về tội giết người. Tại phiên xử, đại diện VKS cho rằng bị cáo trốn truy nã, còn luật sư bảo không vì trong thời gian bị truy nã, Chinh vẫn ra các cơ quan chính quyền làm giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu và khai tên cùng ngày tháng năm sinh thật chứ không hề che giấu thân phận… Theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, tuổi, nơi cư trú của bị can; đặc điểm nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo (nếu có); tội phạm mà bị can đã bị khởi tố. Quyết định truy nã phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã. Như vậy, lệnh truy nã phải bảo đảm đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì mới được coi là hợp pháp. Nếu cơ quan điều tra đã thực hiện đúng luật về việc truy nã đối với Chinh thì việc Chinh hay một số cơ quan nhà nước không biết Chinh đã bị truy nã không phải là điều kiện để xác định Chinh có trốn truy nã hay không. Việc Chinh có biết mình đang bị truy nã hay không, cũng như trong thời gian có lệnh truy nã, Chinh vẫn ra các cơ quan chính quyền làm giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn, hộ chiếu và đều khai tên, ngày tháng năm sinh thật của mình đều không phải là căn cứ để xác định lệnh truy nã không hợp pháp. Việc Chinh không hề che giấu thân phận trước các cơ quan chức năng cũng không làm mất giá trị của lệnh truy nã. Thực tiễn cho thấy nhiều người bị truy nã sau khi bỏ trốn không chỉ lừa được nhiều người mà lừa được cả cơ quan nhà nước. Nếu cơ quan nhà nước vì thiếu trách nhiệm hoặc vì lỗi chủ quan nào đó mà vẫn cấp giấy tờ cho Chinh thì tùy theo mức độ sai phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật chứ không thể coi đó là căn cứ để cho rằng bị cáo không trốn tránh. Nếu không trốn tránh thì sau khi phạm tội, tại sao Chinh phải bỏ trốn? Không thể đổ tại do sợ hãi, thiếu suy nghĩ nên Chinh mới bỏ trốn hoặc do nhận thức pháp luật kém, nghĩ được bãi nại rồi thì không còn có tội. Sao không đặt lại vấn đề là nếu Chinh nhận thức như vậy, tại sao không ra trình diện với cơ quan điều tra hay về lại nơi đã phạm tội để tự thú? ĐINH VĂN QUẾ (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010092611166340p0c1063/lenh-truy-na-dung-luat-luon-co-gia-tri.htm