Lệnh trừng phạt từ phương Tây chưa đủ 'hạ gục' nền kinh tế, Nga đang 'mất ngủ' về vấn đề lớn hơn

Cuộc di cư của người dân Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến nền kinh tế của Tổng thống Putin phải đối mặt với một vấn đề lớn: Thiếu lao động.

Thiếu lao động là vấn đề nghiêm trọng đối với kinh tế Nga. (Nguồn: IOM)

Tình trạng thiếu lao động tồi tệ nhất

Ngân hàng Goldman Sachs mô tả, vấn đề thiếu lao động là “ràng buộc lớn nhất đối với nền kinh tế Nga”, thậm chí vượt xa các hạn chế liên quan đến khoảng 13.000 lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất tại Moscow trong nhiều thập niên, khi hàng trăm nghìn người lao động rời khỏi đất nước hoặc phải trực tiếp tham gia vào chiến dịch quân sự.

Ông Liam Peach tại Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics cho biết: “Tác động của việc lực lượng lao động bị thu hẹp đối với nền kinh tế Nga là vô cùng tiêu cực".

Bộ Truyền thông của Nga cũng thừa nhận rằng, khoảng 10% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã rời khỏi đất nước vào năm 2022.

Theo phân tích của công ty tư vấn FinExpertiza, tính tới cuối năm 2022, số lượng lao động dưới 35 tuổi tại Nga đã giảm 1,3 triệu người, xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.

Những khó khăn mà nền kinh tế Nga phải đối mặt đã thể hiện trong một báo cáo do ngân hàng trung ương nước này công bố vào đầu năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo rằng, trong quý đầu năm 2023, các doanh nghiệp Nga ghi nhận tình trạng thiếu lao động tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1998.

Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp Nga thiếu nhân sự nghiêm trọng, từ lập trình viên, kỹ sư, thợ hàn cho tới thợ khoan dầu - những công việc cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Vasily Astrov, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna nhận định: "Thiếu nhân lực là một thảm họa đối với nền kinh tế và điều này xảy ra giữa lúc đất nước này chịu nhiều biện pháp trừng phạt. Thiếu lao động có trình độ học vấn, lành nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế của Nga trong nhiều năm tới”.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2023 diễn ra từ ngày 14-17/6 đã dành hơn 10 phiên thảo luận để bàn về thị trường lao động. Tại diễn đàn, Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, vì thiếu nam giới trong độ tuổi lao động, các doanh nghiệp sản xuất đang phải thuê cả lao động nữ và công nhân lớn tuổi.

Bà Yuliya Korochkina, Giám đốc nhân sự tại công ty cung cấp vật liệu xây dựng Trade Systems Technonicol chia sẻ, doanh nghiệp này đang thiếu nhân sự ở cả các vị trí cấp thấp lẫn vị trí chuyên gia.

Công ty này phải hạ thấp yêu cầu tuyển dụng, tăng cường hoạt động làm việc từ xa, tự động hóa, và đưa ra nhiều chương trình đãi ngộ để thu hút lao động.

Tăng lương chưa thể giải quyết vấn đề

Dự kiến, mức lương tối thiểu tại Nga sẽ tăng 18,5% trong năm 2024, lên gần 20.000 Ruble (200 Bảng Anh) mỗi tháng, nhiều hơn 10% so với kế hoạch đã đề ra. Để "giữ chân" lực lượng lao động, các doanh nghiệp tại đất nước này cũng buộc phải tăng lương.

Điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận và kìm hãm kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, lương tăng đẩy lạm phát tăng. Các số liệu chính thức cho thấy, lạm phát hiện chỉ ở mức 2,5% - được kìm hãm bởi giá năng lượng rẻ, nhưng sẽ tăng cao hơn khi tiền lương được điều chỉnh.

Để đối phó với vấn đề này, tháng 6/2023, Tổng thống Putin đã yêu cầu các chính phủ đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư khỏi Nga, trong đó có cả các chính sách ưu đãi về tài chính và xã hội.

Moscow trước đó đã giảm thuế, cung cấp khoản vay lãi suất thấp và khoản vay thế chấp mua nhà ưu đã để giữ chân người lao động trong lĩnh vực công nghệ.

Điện Kremlin cũng thử các chiến thuật khác, bao gồm việc gia hạn visa với thời gian dài hơn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nhận thấy, tình trạng thiếu hụt lao động và mối đe dọa lạm phát đồng nghĩa với việc các nhà hoạch định chính sách khó có thể giữ lãi suất ở mức 7,5% trong thời gian dài.

Bà Elvira Nabiullina nói: “Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng có thể dẫn đến vấn đề tăng trưởng năng suất lao động chậm hơn so với tăng trưởng tiền lương thực tế".

Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay ở thành phố Ulan-Ude, Đông Siberia hồi tháng 3/2023, ông Putin nói rằng, việc thiếu chuyên gia trình độ cao đang cản trở hoạt động sản xuất. Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp hiện đang phải làm việc 3 ca và thiếu chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao”.

Capital Economics dự đoán, trong ngắn hạn, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục thiếu hụt lao động.

(theo WSJ, Telegraph)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lenh-trung-phat-tu-phuong-tay-chua-du-ha-guc-nen-kinh-te-nga-dang-mat-ngu-ve-van-de-lon-hon-233315.html