Lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên: Bình Nhưỡng ứng phó ra sao với 'đòn chí tử'?

Trong suốt 20 năm qua, Mỹ đã luôn tìm cách ngăn chặn Triều Tiên 'né' lệnh trừng phạt, thế nhưng quốc gia châu Á này vẫn khéo léo một một cách tài tình.

Trong vài tháng gần đây, thế giới đã chứng kiến sự tăng tiến vượt bậc về năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng thực tế là trong suốt 20 năm qua, cộng đồng quốc tế đã luôn vất vả trong việc ngăn chặn nỗ lực của quốc gia châu Á.

Liên Hợp Quốc đã đưa ra những biện pháp gì?

Liên Hợp Quốc đã rất tích cực trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Năm 2006 - sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cấm các hoạt động “cung cấp, buôn bán hoặc chuyển nhượng” các “mặt hàng, vật tư, thiết bị, hàng hóa và công nghệ”, mà có thể phục vụ cho chương trình tên lửa của nước này.

Nỗ lực ngăn chặn việc mua lại công nghệ tên lửa của Triều Tiên được thực hiện bởi một số quốc gia - đặc biệt là Mỹ - đã được tiến hành từ những năm 1990.

Không những vậy, các biện pháp trừng phạt từ LHQ thậm chí còn mở rộng hơn bằng cách đề ra các rào cản pháp lý tiêu chuẩn đối với tất cả các nước thành viên có liên hệ với Triều Tiên.

Những biện pháp này được LHQ gọi là các biện pháp trừng phạt “phổ quát”. Theo đó, nó có nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả các nước trên thế giới cần phải tuân theo.

Mỗi quốc gia sẽ có trách nhiệm thực hiện trong phạm vi biên giới của mình. Các vấn đề, sản phẩm, linh kiện liên quan đến tên lửa, hạt nhân và công nghệ quân sự sẽ được điều chỉnh thông qua hệ thống kiểm soát xuất khẩu quốc gia.

Với yêu cầu này, Chính phủ các nước phải cấp giấy phép xuất khẩu đối với một số mặt hàng và công nghệ có tính chất đặc biệt.

Nó cho phép các nước có thể cân nhắc về rủi ro và giảm thiểu các mục đích sử dụng không mong muốn đối với các mặt hàng có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc các chương trình vi phạm nhân quyền.

Trên thực tế, một hệ thống kiểm soát xuất khẩu tương tự như vậy đã được nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2004.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, nhiều quốc gia phát triển vẫn vật lộn trong việc thực hiện và thực tế nó không gây nhiều ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.

Nguồn gốc công nghệ tên lửa Triều Tiên

Một trong những yếu tố giúp hạt nhân Triều Tiên phát triển xuất phát từ sự coi trọng tích lũy công nghệ từ các quốc gia khác.

Triều Tiên bắt đầu bằng cách nhập khẩu các hệ thống tên lửa từ nước ngoài và tìm cách sao chép, hoặc cải tiến thành các phiên bản của riêng mình.

Ví dụ, sau khi mua sắm tên lửa Scud tầm ngắn từ Ai Cập vào cuối những năm 1970, Triều Tiên đã dành nhiều năm sau đó để tiến hành nghiên cứu phân tích công nghệ bên trong.

Công nghệ tên lửa Triều Tiên tiến bộ từ việc học hỏi công nghệ từ các nước khác.

Đến thập niên 1990, dựa trên những tìm tòi và khám phá trước đó, người ta chứng kiến Triều Tiên phát triển Nodong, một thiết kế được cho là cải tiến từ Scud.

Từ thành công bước đầu, một loạt các loại tên lửa tầm xa mới khác tiếp tục được Bình Nhưỡng hoàn thiện vào giữa những năm 2000.

Bắt đầu vào năm 2012, chính quyền Kim Jong-un đề ra các kế hoạch tăng tốc chương trình tên lửa.

Chỉ tính trong năm nay, Bình Nhưỡng được cho là đã thử nghiệm bốn tên lửa mới nhất, trong đó có một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, một số tên lửa đạn đạo tầm trung gian, cũng như một tên lửa liên lục địa.

Trong khi đó, cuộc thử nghiệm hạt nhân lần 6 được tiến hành vào đầu tháng được coi là cột mốc đáng nể.

Rõ ràng Triều Tiên đã thể hiện họ là một quốc gia rất giỏi trong việc học hỏi, ứng dụng từ các mẫu vật bên ngoài, nhằm hoàn thiện sản phẩm của riêng minh.

Một báo cáo của LHQ hồi năm 2013 dựa trên các mảnh vỡ thu thập được từ tên lửa Triều Tiên chỉ ra, các linh kiện trong đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Bên cạnh đó, một phần giống với các bộ phận trong tên lửa Scud và các tên lửa cổ điển của Liên Xô.

Hình ảnh trong các buổi thăm nhà máy phục vụ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng cho thấy, nước này đang nắm trong tay các hệ thống công cụ máy rất hiện đại.

Những tranh cãi gần đây về nguồn gốc tên lửa của Triều Tiên có xuất phát từ công nghệ của Ukraine, hoặc của Nga hay không đang càng chứng minh thêm sự thật về khả năng làm chủ công nghệ tài ba của quốc gia châu Á.

Cách thức “lách luật” ...

Để thực hiện những tiến bộ trong chương trình tên lửa của mình, Triều Tiên phải tìm cách thoát khỏi các biện pháp trừng phạt, sự giám sát quy mô lớn của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc được cho là âm thầm giúp đỡ một cách gián tiếp cho Triều Tiên.

Theo The Conversation, cách thức mua sắm mà Triều Tiên thường sử dụng đó là lập các công ty ẩn danh và gắn nhãn hàng hóa thành những vật phẩm thông thường.

Báo cáo của LHQ năm 2017 lưu ý, kỹ xảo này của Triều Tiên đang “tăng dần về quy mô, phạm vi và tính phức tạp”.

Hoạt động mua sắm vũ khí của Triều Tiên diễn ra hết sức tự nhiên. Theo một nghiên cứu, bất chấp các lệnh trừng phạt, nước này vẫn có quan hệ giao dịch với hơn 60 quốc gia.

Do sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ lịch sử và liên kết kinh doanh rộng lớn, Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong số này.

Một loạt các tiết lộ vào đầu năm 2017 đã chứng minh rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc và công ty liên doanh Trung Quốc- Triều Tiên đang được hưởng lợi trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng khi cung cấp máy công cụ, linh kiện và nguyên vật liệu cho quốc gia láng giềng.

Ảnh hưởng của biện pháp trừng phạt?

Sau rất nhiều năm hoạt động của cộng đồng quốc tế, song dường như không thể cản bước được Triều Tiên, các nhà quan sát đang đặt ra câu hỏi, phải chăng các biện pháp trừng phạt từ LHQ đã thất bại?

Câu hỏi này được cho là khó trả lời. Mục tiêu chính của lệnh trừng phạt áp đặt về công nghệ của LHQ là làm chậm lại và ngăn chặn sự phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Thế nhưng, các thử nghiệm tên lửa liên lục địa gần đây chứng minh rõ ràng, các biện pháp này dường như đã không còn hữu hiệu.

Dẫu vậy, về cơ bản, các lệnh trừng phạt được cho là khá hữu ích ở một khía cạnh nào đó. Nó đã góp phần khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn công nghệ từ nước ngoài.

Mỹ có xu hướng muốn cô lập Triều Tiên về kinh tế, cũng như cắt đứt khỏi các sợi dây liên kết với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, mạng lưới ẩn danh rộng lớn đang phủ khắp toàn cầu mà được chính Trung Quốc hậu thuẫn lại tỏ ra khá thích nghi và linh hoạt.

Điều đó làm cho mọi nỗ lực trong lệnh trừng phạt mới mà Washington đề xuất trong tuần này bao gồm một lệnh cấm vận dầu, đóng băng tài sản nước ngoài hay cấm người lao động Triều Tiên có thể vẫn không mang lại kết quả như mong muốn.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/lenh-trung-phat-moi-voi-trieu-tien-binh-nhuong-ung-pho-ra-sao-voi-don-chi-tu-a338710.html