Lễ trao giải Oscar lần đầu tiên được tổ chức với 280 người tham dự

Ngày 16/5/1929, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã tổ chức lễ trao giải thưởng Oscar lần đầu tiên tại một bữa tiệc tối dành cho 280 người ở Phòng Blossom của Khách sạn Roosevelt của Hollywood, California (Mỹ). Giá trị tấm vé vào thời đó là 5 USD (tương đương 71 USD ngày nay).

Tiệc Oscar lần đầu tiên được tổ chức tại Khách sạn Roosevelt của Hollywood. Ảnh: oscars.org

Được biết đến với tên gọi Academy Awards (Giải thưởng của Viện Hàn lâm), Oscar là giải thưởng cao quý này không chỉ tôn vinh những cống hiến điện ảnh xuất sắc trong năm của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, mà còn là dịp các ngôi sao nổi tiếng gặp gỡ nhau và khoe sắc trong những bộ cánh đẹp và đắt tiền nhất. Đây cũng là nơi thể hiện đẳng cấp và vinh danh những tài năng điện ảnh thực thụ.

Viện hàn lâm chính thức bắt đầu sử dụng biệt danh Oscar cho các giải thưởng của mình vào năm 1939. Nguồn gốc cái tên Oscar đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhưng các giai thoại cho rằng Giám đốc điều hành Học viện khi đó là Margaret Herrick đã nhận xét rằng bức tượng trông giống như ông chú có tên Oscar của bà ấy. Một nhà báo có mặt vào lúc đó đã lấy ngay cái tên này làm tiêu đề cho một bài báo.

Joseph Farnham nhận giải Oscar từ người dẫn chương trình Douglas Fairbanks. Ảnh: oscars.org

Bức tượng vàng có hình một chàng hiệp sĩ cầm thanh kiếm, cao khoảng 34 cm và nặng gần 4 kg, được làm bằng kim loại đồng mạ vàng 14 cara do nhà điêu khắc nổi tiếng Cedric Gobbons thiết kế vào năm 1928.

Đây là sản phẩm trí tuệ của Louis B. Mayer, người đứng đầu hãng phim MGM, Học viện được thành lập vào tháng 5/1927 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho sự tiến bộ và đổi mới của ngành điện ảnh. Chủ tịch đầu tiên và người chủ trì buổi lễ tháng 5/1929 là nam diễn viên Douglas Fairbanks.

Người chiến thắng giải Phim hay nhất chính thức đầu tiên là Wings do William Wellman làm đạo diễn. Đây là bộ phim đắt nhất thời bấy giờ, với kinh phí làm phim lên đến 2 triệu đô la, bộ phim kể về câu chuyện hai phi công trong Thế chiến I cùng yêu một người phụ nữ.

Nam diễn viên người Đức Emil Jannings giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong The Last Command và The Way of All Flesh, trong khi Janet Gaynor, 22 tuổi, là nữ duy nhất đoạt giải. Sau khi nhận được ba trong số năm đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, cô đã giành chiến thắng cho cả ba vai diễn trong Seventh Heaven, Street Angel và Sunrise.

Janet gaynor - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất giành chiến thắng cho cả ba vai diễn trong Seventh Heaven, Street Angel và Sunrise. Ảnh: oscars.org

Giải Oscar lần đầu được phát thanh trên radio vào năm 1930 và phát hình lần đầu năm 1953. Hiện nay, giải thưởng được phát sóng trực tiếp trên 200 quốc gia và phát trực tiếp trên mạng. Oscar là lễ trao giải lâu đời nhất thế giới trong ngành nghệ thuật với 74 giải thưởng dành cho các diễn viên và kỹ thuật hình ảnh được trao mỗi năm.

Theo quy định, một bộ phim muốn tranh giải Oscar phải được trình chiếu trong thời gian từ 1/1 đến 31/12 của năm trước đó tại Los Angeles và có độ dài ít nhất là 40 phút, trừ phim ngắn.

Thông thường, Viện Hàn lâm không công bố danh tính các thành viên của từng năm, nhưng giới truyền thông vẫn đưa ra tên tuổi của họ và trung bình mỗi năm có trên dưới 6.000 thành viên tham gia quá trình chấm giải.

Lễ trao giải đầu tiên diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood vào ngày 16/5/1929. Những năm 1990, Oscar được trao tại Trung tâm âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium. Từ năm 2002, Nhà hát Kodak trở thành nơi tổ chức của giải thưởng này. Lần đầu tiên đêm trao giải được ghi hình là vào năm 1953 bởi hãng NBC, nhưng đến năm 1960 thì quyền truyền hình lại lọt vào tay hãng ABC.

Hương Giang (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/le-trao-giai-oscar-lan-dau-tien-duoc-to-chuc-voi-280-nguoi-tham-du/27407.htm