Lễ Tịch điền nêu cao tư tưởng trọng nông

Sáng nay, Lễ Tịch điền đã diễn ra tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - nơi mà cách đây hơn 1000 năm, Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đã làm lễ tế Thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn.

Vua là người xuống ruộng cày 3 sá ruộng đầu tiên. Ảnh: dantri Lễ Tịch điền được mở đầu bằng lễ rước bài vị Vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Tam ra thửa ruộng “kim ngân điền” tức ruộng vàng, ruộng bạc. Tương truyền, đây là hai thửa ruộng mà Vua Lê Đại Hành vào năm 987 đích thân xuống ruộng cày để khuyến khích phát triển nông trang. Dàn trống hội mở màn lễ hội với phần biểu diễn của những nông dân - những tay trống nữ của làng Đọi Tam - nơi có nghề làm trống nổi tiếng đã làm nên nét đặc sắc của Lễ hội. Lão nông Đinh Trọng Tế, 83 tuổi rất phấn khởi vì qua 3 mùa Hội, ông đều được chọn là người nhập vai Vua Lê Đại Hành làm lễ cúng tế Thần nông và kính cáo tổ tiên trước khi thực hiện những xới cày đầu tiên đánh thức đất đai, khởi đầu mùa vụ. Ông Đinh Trọng Tế, thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam: chia sẻ “Được Ban tổ chức giao nhiệm vụ tôi rất lo lắng để làm sao hoàn thành, vì đây là tín nhiệm của dân làng. Ngay từ tháng 12 âm lịch cho đến hôm nay tôi ngủ rất ít, hôm nay, hoàn thành nhiệm vụ tôi rất phấn khởi”. Đây năm thứ ba liên tiếp, Lễ Tịch điền được phục dựng để tưởng nhớ Lê Đại Hành hoàng đế - vị Vua đầu tiên của các triều đại phong kiến Việt Nam tiến hành nghi lễ tịch điền để khuyến khích người dân chăm chỉ lao động. Việc phục dựng mỹ tục này càng có ý nghĩa hơn khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về phát triển nông nghiệp - nông dân và nông thôn; triển khai thực hiện đề án “Nông thôn mới”. Không chỉ đóng góp quan trọng vào thu nhập quốc dân, điểm tựa của nền kinh tế, nền nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng minh là nền tảng cho sự đảm bảo đời sống của người nông dân, vốn chiếm tỷ lệ lớn về dân số cũng như đảm bảo ổn định xã hội. Ông Phạm Tư Lành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Tiên, Hà Nam: “Sau 3 năm tổ chức, chúng tôi coi đây là một lễ hội truyền thống. Với phương châm là lễ hội của nhân dân, do nhân dân tổ chức, hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng, địa phương mở lễ hội Tịch điền. Qua 3 năm thực hiện Lễ Tịch điền, Duy Tiên là một trong những huyện giữ vững được năng suất lúa cao nhất tỉnh. Điều đó chúng tôi hết sức phấn khởi vì thông qua đó, khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để đảm bảo an ninh lương thực và giữ năng suất lúa cao”. Lễ Tịch điền bắt đầu từ triều Lê, đến triều Lý, nghi thức này được cử hành long trọng hơn vì đây là nghi lễ tế Thần nông cầu cho mùa màng tươi tốt. Nhưng đến đời Trần, Vua không thân hành ra làm lễ, mà chỉ sai quan lại đắp đàn xã tắc mà cúng tế. Tới thời Hậu Lê và thời Nguyễn đều tổ chức Lễ Tịch điền, nhưng có thay đổi ít nhiều về nghi thức. Năm 2009, Lễ Tịch điền được phục dựng sau 100 năm với tinh thần kế thừa mỹ tục của tiền nhân để khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo kế hoạch, tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức nghi Lễ Tịch điền quy mô lớn 5 năm/lần theo tinh thần xã hội hóa để ngày hội này thực sự là Lễ hội xuống đồng của nông dân. Tác giả : Ngọc Hà Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/le-tich-dien-va-viec-neu-cao-tu-tuong-trong-nong--2886d30105.html