Lễ hội rước Chúa gái được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tục rước Chúa gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao có từ lâu đời, là một trong các lễ hội đặc sắc của tỉnh Phú Thọ.

Lễ rước Chúa gái

Ngày 17/2, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội rước Chúa gái và bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả.

Lễ hội rước Chúa gái là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18). Lễ hội nhằm diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh đến núi Hùng rước công chúa Ngọc Hoa về núi Tản.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (bên phải) trao Chứng nhận Lễ hội rước Chúa gái là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho đại diện lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao.

Lễ hội làng He

Lễ rước Chúa gái là tục có từ lâu đời của người dân làng He, nay là thôn Triệu Phú và thôn Vi Cương thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ rước Chúa gái trước đây còn có tên tục là lễ hội làng He được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng.

Việc lựa chọn người nhập vai làm Chúa gái khá kỹ càng, phải là người trẻ, đẹp từ 12 đến 15 tuổi, chưa có chồng, thùy mị, nết na, gia đình phong quang (không có tang chế).

Trước ngày rước 1 tuần, nhà Chúa gái được dân làng trang trí, treo đèn, kết hoa... Chúa gái từ chiều 30 tháng chạp đến ngày 7 tháng giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt đều do các nữ tỳ - cũng là những cô gái chưa chồng, xinh đẹp, nhà không có tang - phục vụ.

Ngày rước Chúa gái cũng chính là ngày hội của làng He, tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng. Đoàn rước kiệu Chúa gái gồm bảy nữ tỳ đi cùng để phục vụ công chúa, trong đó có bốn nữ tỳ rước kiệu, hai nữ tỳ cầm quạt và một nữ tỳ đi theo để phục vụ và thay nhau rước kiệu.

Đặc sắc nghi lễ rước Chúa gái.

Trong lễ rước có phường Đồng văn hóa trang làm nhiều trò như: Câu cá, múa, trình nghề. Khi kiệu Chúa gái đến gần Đình Cả thì có thêm 2 voi, 4 ngựa (đều làm bằng giấy nhưng to như voi, ngựa thật) chờ sẵn cùng đi.

Nghi lễ rước Chúa gái kết thúc, gia đình có con được chọn làm Chúa gái phải cõng cô gái qua chuồng lợn, bò (nơi ô uế) rồi mới vào nhà. Tục này cho rằng, khi đi qua những nơi ô uế như vậy thì thần, ma sẽ không đi theo cô gái.

Theo người dân địa phương, lễ hội của làng He trước đây được tổ chức với nhiều trò vui như: Săn lợn, chạy địch, chạy tùng dí và diễn trò bách nghệ khôi hài… để công chúa không buồn bã nữa mà vui lòng lên kiệu về với chồng trên núi Tản sông Đà.

Di tích thờ cúng các Vua Hùng

Di tích Đình Cả, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được Cục Văn hóa thông tin cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê năm 2005, là một trong 326 di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Các cụ cao niên tế lễ tại Đình Cả.

Di tích Đình Cả là nơi gửi gắm tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng. Việc thờ phụng các vị thần ở Đình Cả là sự gìn giữ, nối tiếp truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha.

Từ ngàn đời nay, người dân hai làng Vi - Trẹo, thị trấn Hùng Sơn tổ chức lễ hội Đình Cả hàng năm để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng và các tướng lĩnh của thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Qua đó thể hiện sự cố kết gắn bó của cư dân hai làng Vi - Trẹo vốn có cùng một nguồn gốc xa xưa.

Lễ hội mang đậm chất văn hóa dân gian với các nghi lễ, trò diễn độc đáo như: Rước Chúa gái, trò diễn bách nghệ khôi hài, săn lợn... được nhân dân địa phương lưu giữ, trao truyền và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Trình diễn bách nghệ khôi hài tại Lễ hội Rước Chúa gái.

Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, Lễ hội rước Chúa gái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Di tích Đình Cả được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Theo lãnh đạo thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Lễ hội rước Chúa gái đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay. Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, góp phần nâng cao truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính đối với tổ tiên.

Những năm gần đây, chính quyền và người dân địa phương đã phục dựng và duy trì hoạt động này nhằm gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/le-hoi-ruoc-chua-gai-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post672184.html