Lễ hội ở Thành Nam với những trò chơi dân gian đặc sắc

Du xuân đầu năm tại Nam Định, du khách sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống đặc sắc và được thưởng thức các hội trận, tích trò và trò chơi dân gian. Đây là những sản phẩm văn hóa đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước và người dân đất Thành Nam nói riêng, vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Những hội trận, tích trò và trò chơi dân gian trong các lễ hội ở đất Thành Nam được tổ chức sinh động, hấp dẫn dưới nhiều hình thức, mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng, miền.

Đa phần, các hội trận, tích trò và trò chơi dân gian tại các lễ hội đều liên quan đến những sự kiện, nhân vật lịch sử có công với nước, với dân; gắn với sự hình thành, phát triển của quê hương, đất nước và công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Về dự Lễ hội Phủ Dầy, du khách sẽ được thưởng thức màn biểu diễn hoa trượng hội (kéo chữ).

Ví như, tại Lễ hội “Thái bình xướng ca” (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản) được tổ chức 3 năm một lần, từ mùng 9 - 11/3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ sự kiện quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Trong Lễ hội “Thái bình xướng ca”, dân làng đã tái hiện lại tích đoàn thuyền tải lương của nhà Trần cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ binh sĩ đánh giặc. Từ đó, giáo dục về ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.

Tại Lễ hội Đền Diêm Điền (xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy) được tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch, có lệ cho thuyền ra khơi đánh cá nhằm ôn lại việc làm của tổ tiên buổi sơ khai về lập ấp và nhắc nhở người dân phát huy truyền thống cần cù lao động để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Về dự Lễ hội Phủ Dầy vào tháng 3 âm lịch hàng năm, du khách sẽ được thưởng thức màn biểu diễn hoa trượng hội (kéo chữ). Đây là hoạt động văn hóa đặc trưng, vừa là lễ nghi vừa là trò chơi dân gian. Các chữ thường xếp là chữ Hán: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”… Qua đó, nhằm thể hiện mơ ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhắc nhở người dân ghi nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tại Lễ hội Đền Trần, du khách sẽ được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước với các tích trò rối nước như: Trần Hưng Đạo 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông; múa tứ linh; múa sư tử; đấu vật; chọi trâu; cấy lúa… được biểu diễn dưới hồ nước trước cửa Đền Trần.

Tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, cứ 3 năm một lần, vào ngày 22/3 âm lịch, dân làng lại mở hội lớn vào ngày kị của phu nhân Thượng tướng, Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải là Phụng Dương Công chúa. Ở đó, ngoài các nghi thức tế lễ, lễ hội còn có các tích trò độc đáo như: “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, “Quan huyện, quan trấn đốc thúc quân đi mở đường”…

Trong đó, tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô” là trò diễn xướng kể về câu chuyện sau khi đánh đuổi quân Nguyên, để giữ hòa hiếu, vua tôi nhà Trần hàng năm vẫn phải cống nạp cho triều đình phương Bắc bằng đường thủy. Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải lúc bấy giờ đã nghĩ ra kế sách cho quân lính đóng giả thuyền chài, chặn đường đoạt lại cống vật.

Tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc quân đi mở đường” tái hiện cảnh binh lính nhà Trần uy dũng lên đường ra biên cương đánh giặc trong sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo người dân, tạo khí thế chiến đấu của quân dân địa phương nơi binh lính đi qua.

Có thể thấy, những hội trận, tích trò và trò chơi dân gian tại các lễ hội ở đất Thành Nam không chỉ khích lệ, động viên người dân địa phương hăng hái lao động sản xuất; gắn kết tình làng, nghĩa xóm mà khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của các thế hệ.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/le-hoi-o-thanh-nam-voi-nhung-tro-choi-dan-gian-dac-sac-166238.html