Lễ hội Minh Thề xưa nay vẫn nguyên giá trị

Ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng diễn ra Lễ hội Minh Thề “Lấy của công làm vào việc công thì được các thần linh ủng hộ, nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của công về làm việc tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử” - Một lễ hội đầu Xuân độc đáo răn điều hay, làm việc tốt, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa.

Ông Phạm Văn Cường, đại diện dân làng đọc hịch văn hội Minh Thề. Ảnh: KT

Lễ hội bắt nguồn từ năm 1561, bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, Hoàng hậu của vua Thái tổ Mạc Đăng Dung tự mình đứng ra và vận động các hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều cùng dân làng đóng góp xây dựng ngôi chùa trong làng và mua hơn 25 mẫu đất cúng vào chùa.

Nhiều người theo gương bà cũng cung tiến tăng diện tích lên hơn 47 mẫu đất. Số ruộng này được phân rõ ràng cho nhà chùa, cho các vị cao tuổi, cho các vị đi lính để trồng cấy lương thực phục vụ cho lễ hội. Đó là của công không ai được vi phạm theo hương ước, vì vậy phải có lời thề tuân theo hương ước: “Lấy của công làm vào việc công thì được các thần linh ủng hộ, nhược bằng nếu có lòng tham, lấy của công về làm việc tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử”.

Từ đó, lễ hội Minh Thề đã ra đời, được nhân dân thôn Hòa Liễu lưu truyền nhiều thế kỷ qua.

Quang cảnh lễ hội Minh Thề. Ảnh: KT

Xem lễ hội, phong tục xưa mà ngẫm, nội dung của lễ hội Minh Thề vẫn còn nguyên giá trị bởi nó rất phù hợp với chủ trương đường lối của Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII về xây dựng Đảng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị.

Năm 2016, hàng loạt quyết định kỷ luật lãnh đạo nghiêm khắc như: Cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên trợ lý Trưởng Ban tổ chức Trung ương; cảnh cáo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; Đảng đã khai trừ Trịnh Xuân Thanh… đã thể hiện quan điểm của Đảng không còn sợ nói ra khuyết điểm, Đảng đã thẳng thắng nhìn nhận và sửa chữa khuyết điểm những việc làm của Đảng ta trong thời gian qua đã được nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đạt được một số kết quả; tích cực đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào thành công của đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí được thể hiện rõ trong các quy định về việc công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản Nhà nước, đầu tư công và công tác cán bộ của các cấp, các ngành.

Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Ngoài ra, còn rất nhiều Thông báo của các Bộ, ngành yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nhân dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng cũng là chống tham ô, lãng phí, nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực.

Người xưa, thông qua lễ hội Minh Thề dùng lời thề trước Đền – Chùa là nơi linh thiêng nhằm răn những người có chức, có quyền, được dân làng bầu lên phải biết lấy tinh thần, liêm chính, chí công vô tư, lấy của công mà làm vào việc công, đây đã trở thành nét đẹp về đạo đức lối sống của dân tộc ta.

Từ xa xưa cha ông ta đã thực hiện việc khuyên răn các thế hệ con cháu trong làng trong việc “nếu có lòng tham, lấy của công về làm việc tư, nguyện cầu các vị thần linh đả tử” ngay tại làng xã đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành các Nghị quyết đến các cấp, các ngành yêu cầu các cấp các ngành phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân.

Trong suốt 87 năm qua, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng. Đặc biệt từ Đại hội XI của Đảng đến nay không có nhiệm kỳ nào mà Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây đựng đảng. Từ Nghị quyết Trung ương V khóa VI một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội VI; Nghị quyết Trung ương III khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn đảng; Nghị quyết Trung ương VI lần 2 khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay. Kết luận Hội nghị trung ương IV khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương III khóa X tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí; Nghị quyết Trung ương IV Khóa XI về một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng hiện nay.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta đã thẳng thắn nhận định thực hiện Nghị quyết Trung ương IV còn một số việc chưa đạt được mục tiêu đặt ra và còn có một số hạn chế, khuyết điểm. Vì vậy, việc Trung ương sớm ban hành Nghị quyết Trung ương IV khóa XII về tăng cường chỉnh đốn đảng ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã hợp ý lòng dân.

Kim Thành

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/su-kien/le-hoi-minh-the-xua-nay-van-nguyen-gia-tri_t114c1152n114927