Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định năm 2024 diễn ra từ ngày 20-25/2

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2/2024 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự.

Đoàn rước kiệu Ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường. Kiệu Ấn được các nam thanh niên làng Tức Mặc rước vào sân Đền Thiên Trường tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Quý Mão năm 2023. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Nam Định

Lễ Khai Ấn Đền Trần đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm được tổ chức tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao nhằm phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa truyền thống; thu hút khách thập phương về dự lễ hội.

Theo kế hoạch, Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2/2024 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (tức 20/2/2024) tổ chức Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (tức ngày 21/2/2024) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá tại đền Cố Trạch; ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/2/2024) từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền Thiên Trường; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai Ấn.

Trong thời gian làm Lễ Khai Ấn, Ban Tổ chức Lễ hội sẽ đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 23h55 trở đi mở cửa đền để nhân dân tiếp tục vào lễ đầu năm.

Từ 2h00 sáng ngày 15 tháng Giêng (tức 24/2/2024) thực hiện lễ hồi Kiệu Ấn về đền Cố Trạch; Từ 5h00 sáng ngày 15 tháng Giêng tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.

Ngày 16 tháng Giêng (tức 25/2/2024) tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, Tế tiên tổ Triều Nhà Trần tại Đền Cố Trạch.

Các cụ cao niên làng Tức Mặc làm lễ tế Tiên tổ trước giờ khai Ấn tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Quý Mão năm 2023. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Nam Định

Nhiều hoạt động mới tại Lễ Khai Ấn Đền Trần năm 2024

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về tham dự.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội, để đáp ứng nhu cầu vui xuân của nhân dân và du khách thập phương, Lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2024 dự kiến sẽ có nhiều hoạt động mới so với những năm trước như: Triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, các hoạt động văn hóa văn nghệ như: biểu diễn trống Tà Rùng, chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, múa lân sư rồng, hát xẩm, hát văn, múa rối nước... Các hoạt động hội sẽ được tổ chức tại khu vực Quảng trường Đông A (thuộc Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa thời Trần).

Rất đông người dân và du khách chờ đợi để được vào lễ sau giờ khai Ấn tại Lễ khai ấn đền Trần Xuân Quý Mão năm 2023. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Nam Định

Lễ khai ấn Đền Trần có từ thế kỷ XIII

Theo tài liệu chính sử, Lễ khai ấn là một tục lệ có từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần nhằm thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong tước cho những quan, quân có công với đất nước. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại. Trải qua bao thế kỷ, ấn cũ không còn.

Đến năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại Ấn với dòng chữ: "Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương" theo kiểu chữ triện, với ý nghĩa mong muốn muôn dân, bách gia, trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, tích phúc đủ đầy thì lộc hưởng mới bền vững. Và cũng từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý đêm 14 tháng Giêng trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính, biết ơn với thế hệ cha ông, cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị; đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Ban đầu, tục lệ khai Ấn chỉ mang tính địa phương, trong phạm vi làng Tức Mặc, nhưng những năm gần đây, Lễ hội khai Ấn ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương và du khách nước ngoài về dự lễ.

Lễ khai Ấn hàng năm vào giờ Tý ngày 14 sang đến ngày 15 tháng Giêng đã trở thành một Lễ hội truyền thống được người dân làng Tức Mặc duy trì đến ngày nay, giúp lưu giữ được giá trị của các phong tục cổ truyền và phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nội dung lịch sử được thể hiện sống động và sâu sắc qua các Nghi lễ truyền thống góp phần nuôi dưỡng bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm và tâm thức "uống nước nhớ nguồn" của mỗi người Việt Nam.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/le-hoi-khai-an-den-tran-nam-dinh-nam-2024-dien-ra-tu-ngay-20-25-2-17924021708172929.htm