Lễ hội Katê năm 2017 của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Sáng 20-10, tại Tháp Pô Sha Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận), Lễ hội Katê năm 2017 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn tỉnh Bình Thuận được tổ chức theo phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Bình Thuận được phục dựng từ năm 2005 tại Di tích cấp quốc gia Pô Sha Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Thiếu nữ Chăm rước mâm lễ lên tháp thực hiện nghi thức cúng lễ.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: “Lễ hội Katê năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn các năm trước bởi có sự tham gia của tất cả các địa phương có cộng đồng người Chăm sinh sống như: Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh. Thông qua Lễ hội Katê, chúng tôi muốn giới thiệu du khách trong và ngoài nước biết đến Lễ hội truyền thống của cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận, và qua đó cũng góp phần cho việc quảng bá phát triển du lịch tại địa phương”.

Qua 12 năm được duy trì tổ chức, đến nay Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tại tháp Pô Sha Inư trở thành một trong các Lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận có sức hấp dẫn du khách.

Đi trước đoàn thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính là các thiếu nữ với những điệu múa truyển thống

Lễ hội Katê tại di dích tháp Pô Sha Inư gồm các nghi thức như: các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn, Bà-ni thực hiện cúng Lễ Cầu an tại Tháp chính; thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; Lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni; lễ mặc trang phục, Đại lễ Katê trước tháp chính.

Y trang nữ Thần Pô Sah Inư đang được các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn thỉnh và rước lên tháp chính.

Ngoài những nghi thức, nghi lễ diễn ra theo trình tự thời gian, tục lệ truyền thống của người Chăm; lễ hội còn là dịp để đồng bào Chăm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc như dân ca, dân vũ; trình diễn nhạc cụ truyền thống như trống Paranưng, Ginăng, kèn Saranai; biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm, giới thiệu trang phục và điệu múa truyền thống… Bên cạnh đó là các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa Chăm.

Các nghệ nhân Chăm trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm truyền thống.

Trong dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đi thăm, tặng quà chúc đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở các địa phương trong tỉnh đón mùa Lễ hội Ka tê vui tươi, an lành và tiết kiệm.

Thi giã gạo, một trò chơi dân gian được tổ chức tại Lễ hội Katê 2017.

ĐÌNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/34462302-le-hoi-kate-nam-2017-cua-dong-bao-cham-o-binh-thuan.html