Lễ hội đình Liên Ngạc: Giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa tâm linh

Hàng năm, vào ngày 12-14/2(Âm lịch), người dân làng Liên Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) lại hội tụ về đình Liên Ngạc tổ chức hội làng, dâng hương, rước nước để tưởng nhớ công lao của thần đối với dân, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Đây là dịp để mọi thành viên trong cộng đồng được sum họp lễ Phật cầu phúc lành, cầu may tại đình làng. Hội cũng là nơi người dân thi thố tài năng sáng tạo trong lao động, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngôi đình cổ gắn với những câu chuyện kỳ bí

Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Tiểu ban di tích lịch sử đình Liên Ngạc cho biết, đình, chùa Liên Ngạc được xây dựng từ thời nhà Lê. Tồn tại đến nay, di tích đã mang trên mình một bề dày lịch sử trên 200 năm.

Di tích không chỉ là nơi tôn vinh, phụng thờ những người có công lao với dân, với nước mà còn là minh chứng, những cứ liệu quý giúp các nhà nghiên cứu lịch sử xác định rõ ràng hơn về những sự kiện, nhân vật và thời kỳ lịch sử đã từng xuất hiện, diễn ra trong các triều đại quân chủ.

Đình, chùa Liên Ngạc được xây dựng từ thời nhà Lê.

Trong hệ thống sắc phong của đình, chùa Liên Ngạc, có nhiều sắc được phong cho Công chúa Tháp Nương. Sắc sớm nhất được ban vào ngày 8/8 năm Cảnh Hưng thứ 28, là người có nhiều công lao phù giúp đất nước, bảo vệ và che chở muôn dân.

Bên cạnh đó, những câu chuyện kỳ bí, lý thú gắn liền với vị thần Tô Lịch đã biểu hiện tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và hùng khí quê hương của người dân Việt đời đời hun đúc, gìn giữ, vun đắp, phát huy để tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Ngôi đình, chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng được sự đồng tâm của dân làng và chính quyền, đến nay vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc cổ trước đây.

Với sự cố gắng gìn giữ và bảo tồn của chính quyền địa phương và người dân, di tích còn lưu giữ được một số di vật

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đình cổ không giữ được nguyên vẹn quy mô kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên như khi khởi dựng. Song, các công trình vẫn mang dáng dấp, cấu trúc truyền thống của ngôi làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đậm kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thời Nguyễn như: Kết cấu chữ đinh, xây tường hồi bít đốc….

Với sự cố gắng gìn giữ và bảo tồn của chính quyền địa phương và người dân, di tích còn lưu giữ được một số di vật: 2 cỗ long ngai thờ được tạo tác bằng gỗ rất công phu, 1 khám thờ, 3 bức hoành phi, năm câu đối… tất cả đều được làm bằng chất liệu gỗ, ca ngợi công đức của thần.

Qua nghiên cứu về lịch sử, giá trị mọi mặt của di tích cho thấy ngôi đình, chùa làng Liên Ngạc là một vốn cổ quý giá của tiền nhân để lại rất cần được trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị.

Để tưởng nhớ các vị thần thờ tại đình, hàng năm theo phong tục xã Hoa Ngạc, cứ đến ngày 12/2 Âm lịch, Nhân dân lại tổ chức lễ hội truyền thống.

Sự tồn tại của một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian giữa khu dân cư đông đúc đang phát triển mạnh mẽ đã khẳng định sự trường tồn của di tích trong lịch sử và giá trị lịch sử với đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Ý thức, trách nhiệm bảo tồn di sản của tổ tiên

Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Văn Cường chia sẻ, trải qua bao thăng trầm, biến cố, ngôi đình Liên Ngạc cũng thăng trầm theo thời gian, cán bộ và Nhân dân Tổ dân phố (TDP) Liên Ngạc vẫn giữ gìn, bảo tồn được nét đẹp văn hóa tâm linh.

Ngược dòng lịch sử, cán bộ và Nhân dân ôn lại Liên Ngạc ngày nay trước kia có tên gọi là Hoa Ngạc nằm ở phía ngoài đê gần cầu Thăng Long hiện nay. Thời điểm sinh sống tại đây, Nhân dân trong làng rất khó khăn, mùa màng thất thu do thiên tai, bão lũ.

Về với lễ hội truyền thống đình Liên Ngạc, Nhân dân và du khách được thưởng thức màn rước kiệu độc đáo.

Từ những khó khăn này đã hình thành nhân cách con người Liên Ngạc, buộc người dân trong làng phải liên kết với nhau để chống chọi với thiên nhiên. Đây là nét đẹp cần lưu giữ bởi bất kỳ người con nào của TDP Liên Ngạc cũng rộn lên lòng tự hào, tình yêu quê hương chân thành từ sâu thẳm trái tim.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước (năm 1974), để phục vụ cho việc thi công xây dựng Cầu Thăng Long, toàn thể dân Liên Ngạc đã chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, di chuyển đến nơi ở mới hiện nay.

Sau khi di chuyển về nơi ở mới chưa có đình thờ riêng nhưng Nhân dân Liên Ngạc luôn ý thức được trách nhiệm phải bảo tồn di sản của tổ tiên. Vì vậy, các đồ thờ tự được đưa về dãy nhà của hợp tác xã để Nhân dân phụng thờ.

Trong trang phục truyền thống, những cô gái phải vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước.

Do kinh tế còn khó khăn, năm 1994 được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, Nhân dân Liên Ngạc đã chung tay khôi phục xây dựng lại ngôi đình Liên Ngạc tọa lạc tại nơi đây để dân làng có nơi thờ Thành Hoàng. Năm 1999, để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, Nhân dân trong làng tiếp tục thống nhất khôi phục trở lại lễ hội sau nhiều năm bị gián đoạn.

Theo các cụ bô lão trong TDP, lễ hội sau khi được khôi phục vẫn giữ được những nghi thức cổ truyền, phản ánh những phong tục, nghi lễ và đời sống tâm linh của người dân lao động vùng ven sông trước kia.

Đến với lễ hội truyền thống đình Liên Ngạc, hàng ngàn du khách thập phương dễ dàng nhận thấy, sự đoàn kết thống nhất của người dân Liên Ngạc thể hiện qua các hoạt đông như: rước lễ hội đèn lồng, cờ, băng rôn chào đón lễ hội được giăng kín khắp các ngõ ngách trong TDP. Người dân đều hăng say, tận tụy với công việc lễ hội.

Lễ vật dâng cúng thành hoàng là các sản vật nông nghiệp do người dân địa phương tự làm.

Về với lễ hội truyền thống đình Liên Ngạc, Nhân dân và du khách được thưởng thức màn rước kiệu độc đáo. Quãng đường rước từ đình ra bến sông lấy nước rồi rước ngược về đình khoảng 4km, nhưng đoàn rước phải mất tới hơn 4 giờ đồng hồ mới hoàn thành bởi cứ đi một đoạn ngắn, kiệu lại xoay hoặc chạy ngược lại.

Trong trang phục truyền thống, những cô gái chân yếu tay mềm hay cả những chàng trai khỏe mạnh phải vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước nhờ sợi dây vô hình tâm linh và bằng sự kết nối tinh hoa, tinh tế.

Đình Liên Ngạc được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật năm 2010.

Đình Liên Ngạc được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật năm 2010. Nhân dân TDP Liên Ngạc tích cực giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Để tưởng nhớ các vị thần thờ tại đình, hàng năm theo phong tục xã Hoa Ngạc, cứ đến ngày 12/2 Âm lịch, Nhân dân lại tổ chức lễ hội truyền thống để tế lễ, rước hội tưởng niệm các vị Phúc Thần và được duy trì cho đến ngày nay. Lễ hội tổ chức từ ngày 12/2 - 14/2 (Âm lịch) hàng năm.

Phần lễ có các nghi lễ tế thần nghiêm trang. Lễ vật dâng cúng thành hoàng là các sản vật nông nghiệp do người dân địa phương tự làm như: xôi trắng, thủ lợn và thanh bông hoa quả.

Bên cạnh đó còn có tục lễ như rước nước, phần tế có múa rồng rước kiệu thánh về nơi làng cũ ở Bãi Hoa gần cầu Thăng Long nhằm ôn lại sự tích của thần, thể hiện sự ngưỡng mộ biết ơn công lao của thần đã phù giúp dân làng làm ăn gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, phần hội có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, múa rồng, hát thờ cửa đình…

Hà Linh - Đỗ Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-dinh-lien-ngac-giu-gin-bao-ton-net-dep-van-hoa-tam-linh.html