Lễ Giỗ Tổ, di sản văn hóa được Sở GD Phú Thọ đưa vào chương trình mới ra sao?

Dựa trên lợi thế văn hóa của mình, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3". Từ ngàn đời nay, câu ca dao ấy đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt. Dù ở đâu, làm gì, đã là người Việt Nam thì mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm sẽ đều hướng về vùng đất Tổ cội nguồn để tưởng nhớ, tri ân công đức dựng nước của các vị Vua Hùng (những vị vua đầu tiên của dân tộc).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (vào ngày 19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đền Giếng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Người đã có lời căn dặn nổi tiếng dành cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) trước khi hành quân về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bác Hồ đã có lời căn dặn nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Từ năm 1995, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng) được Ban Bí thư thông báo là một ngày lễ trong năm, trở thành ngày Quốc lễ mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ có vậy, đến ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) còn chính thức công nhận “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Với ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh, cùng những giá trị tinh thần mang đậm dấu ấn về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là vô cùng quan trọng.

Phú Thọ đẩy mạnh chương trình giáo dục địa phương gắn liền với văn hóa Đất Tổ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, không chỉ riêng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mà việc giáo dục học sinh, sinh viên về những ngày lễ truyền thống của dân tộc là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ.

“Riêng việc giáo dục về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) còn nhằm những mục đích sâu xa, trong đó phải kể đến việc giới thiệu những nét đẹp, tập tục văn hóa truyền thống của quê hương Phú Thọ, của dân tộc đến với mọi người để nâng cao hiểu biết, nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa, lịch sử dân tộc.

Cần phải giáo dục để học sinh, sinh viên biết về cội nguồn, về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, về nòi giống “con Rồng cháu Tiên” của người Việt; giúp đối tượng này hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống của tổ tiên. Qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, xây dựng ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần bảo vệ đất nước.

Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng các bài học về lịch sử nói riêng, các môn học xã hội nói chung”.

Phú Thọ vừa là đất Tổ, vừa là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt với những dấu ấn văn hóa đậm nét, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng gắn với thời đại Hùng Vương.

Dựa trên lợi thế đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động giáo dục kết hợp với việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, với niềm vinh dự là địa phương duy nhất trong cả nước có ba di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận (là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan Phú Thọ và Ca Trù của người Việt – Phú Thọ là 1 trong 14 tỉnh được ghi danh), tỉnh Phú Thọ rất chú trọng đến kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; tích hợp nội dung giáo dục truyền thống ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, di sản văn hóa trong chương trình giáo dục địa phương ở một số chủ đề.

Chia sẻ sâu hơn về nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 của tỉnh Phú Thọ, thầy Phùng Quốc Lập cho biết, trong 7 lĩnh vực được đưa vào giảng dạy (gồm văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp), có lĩnh vực văn hóa – lịch sử đề cập sâu về lịch sử của tỉnh Phú Thọ, cùng những dấu ấn văn hóa đậm nét, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với thời đại Hùng Vương, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Lễ dâng hương tưởng nhớ công lao các vị Vua Hùng. Ảnh: Báo điện tử Chính Phủ.

Cụ thể, ở chương trình giáo dục địa phương cấp tiểu học có đề cập đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (chủ đề 8) của lớp 2;

Ở cấp trung học cơ sở, lớp 6 đề cập đến nội dung về Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương (chủ đề 2), Nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước (chủ đề 3), Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ (chủ đề 5); chương trình lớp 7 với nội dung về các Lễ hội truyền thống ở Phú Thọ, như lễ hội Đền Hùng và đền Mẫu Âu Cơ (chủ đề 5 và 6); lớp 8 nói về Di tích lịch sử ở Phú Thọ (chủ đề 3);

Ở cấp trung học phổ thông, chủ đề 4 của chương trình lớp 10 đề cập đến di sản văn hóa phi vật thể và loại hình nghệ thuật truyền thống ở Phú Thọ; và lớp 12 có nội dung về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh.

“Có thể thấy, việc xây dựng nội dung chương trình giáo dục địa phương tại tỉnh Phú Thọ rất coi trọng giáo dục về lịch sử, văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ, tích hợp nhiều nội dung xoay quanh giáo dục về ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng, các di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng và mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực, phẩm chất của người học, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục truyền thống, đồng thời bồi đắp tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa địa phương…” – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ nhận định.

Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca mang tính nghi lễ, phong tục; có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Loại hình nghệ thuật này được đưa vào chương trình giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch, tổ chức truyền dạy hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở,…

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai xây dựng mô hình trường học gắn với di sản, giúp học sinh hiểu và trân quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc, giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy học;

Nhiều trường trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, chăm sóc bảo tồn các di tích lịch sử thông qua giảng dạy nội dung hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Nhiều hoạt động giáo dục văn hóa dịp lễ hội Đền Hùng

Hòa chung không khí của cả nước và toàn tỉnh Phú Thọ hướng về ngày Quốc Giỗ, hoạt động giáo dục địa phương trong thời gian này cũng vô cùng đa dạng.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, thông qua hoạt động gói bánh chưng, các trường đã giảng dạy cho học sinh về sự tích “Bánh chưng, bánh giầy” của Lang Liêu và truyền thuyết về các Vua Hùng. Đây là hoạt động quen thuộc của tỉnh trong nhiều năm qua và đang tiếp tục được duy trì.

Trong khuôn khổ các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo Việt Trì đã triển khai 12 tiết mục biểu diễn hát Xoan của giáo viên và học sinh của các các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố biểu diễn. Đây là các làn điệu Xoan cổ, Xoan phát triển.

Học sinh tiểu học thành phố Việt Trì tập luyện hát Xoan chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: NVCC.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Thịnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát xoan phụ trách toàn diện Đội văn nghệ: “Đây là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua những sự kiện như thế này, giúp cho các em học sinh thêm hiểu biết và yêu các làn điệu dân ca Xoan Phú Thọ, hiểu được nét văn hóa độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng Đất Tổ.

Hiện nay, giáo viên và học sinh tham gia biểu diễn sẽ tập luyện vào các giờ ra chơi, cuối giờ hoặc ngày nghỉ, nên việc tập luyện không làm ảnh hưởng đến thời gian học tập.

Nhờ quá trình luyện tập, biểu diễn, giúp học sinh thêm gắn bó, đoàn kết hơn. Học sinh cũng vô cùng thích thú và cảm thấy thoải mái, thư giãn sau giờ học trên lớp”.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Dân (thành phố Việt Trì) tham gia thi vẽ tranh về Cội nguồn nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: NVCC.

Ngoài hát Xoan, Trường Tiểu học Tân Dân (thành phố Việt Trì) còn tổ chức thi vẽ tranh về Cội nguồn, và cho học sinh trải nghiệm nghe hát Xoan tại phường Xoan và Đình cổ Hùng Lô.

Bên cạnh đó, trước ngày lễ hội, một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Tiểu học Hy Cương, Trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì...) đã tổ chức hoạt động cho học sinh học tập, trải nghiệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì tham gia học tập, trải nghiệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: NTCC

Trường Tiểu học Thọ Sơn (Thành phố Việt Trì) cũng đã tổ chức cho gần 300 học sinh tham gia trải nghiệm giáo dục truyền thống lịch sử di sản văn hóa tại “Không gian di sản văn hóa các tỉnh, thành phố” và tham gia Liên hoan, Triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam” (tại quảng trường Hùng Vương thành phố Việt Trì).

Là một cơ sở giáo dục tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản văn hóa, Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp Việt Trì đã có nhiều đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn, được coi là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “Trường học gắn với di sản”.

Theo đó, đơn vị này đã tổ chức cho 340 em học sinh khối 10 tham gia trải nghiệm ứng dụng Thuyết minh tự động và mô hình “Giờ học lịch sử” với chủ đề giới thiệu về di sản “Hát Xoan Phú Thọ” tại Bảo tàng Hùng Vương;

Hay cho các em học sinh câu lạc bộ Tiếng Anh và câu lạc bộ Truyền thông của nhà trường tham gia học tập trải nghiệm tại Đình Hùng Lô (ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi, là nơi lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng Vua Hùng đầy đủ nhất). Tại đây, các em học sinh đã biểu diễn hát Xoan cùng các nghệ nhân của làng, giới thiệu về lịch sử của ngôi đình bằng tiếng Anh và hướng dẫn du khách quốc tế gói bánh chưng.

Ngày 13/4/2024, nhà trường cũng tổ chức Cuộc thi “Khát vọng Lạc Hồng - CNVT 2024”, đây là sân chơi trí tuệ để các em học sinh trau dồi các kiến thức khoa học và lịch sử địa phương, lễ hội Đền Hùng.

Cuộc thi “Khát vọng Lạc Hồng - CNVT 2024” của Trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì. Ảnh: NTCC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì: “Việc giáo dục văn hóa truyền thống nói chung và giáo dục về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nói riêng có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển nhân cách và trí tuệ của học sinh, đặc biệt với học sinh của trường là những người con của quê hương Đất Tổ.

Có hiểu biết đúng đắn về lịch sử và truyền thống quý báu của dân tộc sẽ giúp học sinh tự tin, tự hào là người con của Đất Tổ Vua Hùng để quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện, tiếp bước cha ông xây dựng quê hương đất nước và gìn giữ, phát huy nét đẹp di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, đổi mới trong phương pháp giáo dục giúp tăng cường các yếu tố trực quan, thực tiễn để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. Với cách làm này, các thầy cô giáo có thể khai thác, sử dụng đa dạng các nguồn sử liệu để tái hiện, phục dựng lịch sử theo cách khoa học, khách quan và chân thực.

Trước những lợi thế và thách thức trong việc giáo dục văn hóa địa phương, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong thời gian tới, bên cạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương theo đúng định hướng và khung chương trình, tài liệu đã xây dựng và biên soạn, chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về văn hóa lịch sử vùng Đất Tổ.

Đồng thời, tiếp tục phát huy mô hình trường học gắn với di sản, tích hợp các nội dung giáo dục truyền thống, giáo dục di sản trong các môn học phù hợp như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, chương trình giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… và tích cực cho học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/le-gio-to-di-san-van-hoa-duoc-so-gd-phu-tho-dua-vao-chuong-trinh-moi-ra-sao-post242193.gd