Lễ cúng lúa mới nơi vùng cao Phú Mỡ

Trên chân dốc Ruộng nhìn về trung tâm xã. Ảnh: NGUYÊN HẬU

Cộng đồng người Chăm, Ba Na ở khắp làng Đồng, làng Bè, làng Hội… của xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) đều xem lễ cúng lúa mới không chỉ để tạ ơn mà còn là dịp quần tụ cháu con, quần tụ cộng đồng và thắt chặt tình đoàn kết.

Trên đường về Phú Mỡ, tôi bắt gặp những vạt lúa rẫy vừa thu hoạch xong và nhiều vạt keo bị ngã đổ sau bão bắt đầu gượng xanh trở lại. Đứng trên dốc Ruộng, đoạn ngã ba đường vào trung tâm xã, có thể nhìn bao quát được cả thôn Phú Giang nằm như một thung lũng bên dưới. Từ những mái nhà sàn bay lên vương vít khói, thấp thoáng bóng những bà mó vừa gùi củi về bên gian bếp nhỏ để dự trữ cho việc nấu nướng trong những ngày tết, cảm giác ấm áp và rất đỗi thanh bình.

Trong cái rét se của ngày cuối cùng tháng chạp, ngồi bên liếp nhà sàn, oi La Chí Phiếu, năm nay 70 tuổi (ở làng Hội, thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ) vừa đan chiếc cắp, một loại gùi nhỏ dành cho đàn ông đi đường rừng, vừa kể về nghi lễ cúng lúa mới.

Bàn tay vẫn cặm cụi luồn từng sợi lạt được chuốt nhẵn từ thân cây lồ ô, nhìn phía xa thấy chờn vờn sương núi, giọng oi Phiếu buồn buồn bảo năm nay lúa bị lép hạt nhiều, không được như năm trước. Thế nhưng dù được nhiều hay ít, ông cũng vẫn cúng lúa mới như thường lệ. Ông cho biết, lễ cúng lúa mới thường vào dịp cuối năm, tùy vào từng nhà xuống giống sớm hay muộn. Ngày xưa, lễ cúng cầu kỳ cả trong nghi thức lẫn lễ vật.

Trước lễ phải chuẩn bị heo, phải giã đủ 3 gùi cốm bằng lúa mới sao cho bông cốm đỏ như ráng chiều những ngày nắng dữ, hương cốm mới phải thơm 3 gian nhà, 7 gian bếp… Đến nay, cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa mới song song với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cộng đồng đồng bào nơi đây vẫn giữ lại những tập tục đặc sắc của dân tộc mình song đơn giản hóa về mặt lễ nghi.

Tùy vào điều kiện từng nhà mà có thể bày lễ vật để cúng gọn nhẹ, song không thể thiếu cơm gạo mới, gà, rượu, đèn bằng sáp ong cùng một bộ cung tên gỗ được chính gia chủ đẽo gọt. Người Chăm và Ba Na chỉ đốt hương trong dịp tết, còn trong lễ cúng thông thường chỉ dùng nến bằng sáp ong. Oi Phiếu nói cúng xong rồi tắt vì nơi này ruộng rẫy liền kề, thời điểm tháng chạp gió rừng thổi về mang theo cái rét se sắt, củi lửa phải cẩn thận thì mới yên bụng được!

Sau khi bày hết lên chân ruộng, người cúng khấn tạ ơn Giàng đã cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi côn trùng chuột hại, bảo vệ mùa màng, mang lại lúa gạo cho con người rồi dùng cung gỗ bắn tên đi để xua đuổi tà ma, xua đuổi hết những điều không may mắn. Rượu cũng được rưới trên mặt ruộng, tạ ơn đất cho mùa lên xanh, gốc lúa vững chãi, gié cong cong hạt. Sau đó lần lượt từng người trong gia đình dùng tay bốc một nắm cơm lúa mới để ăn thật chậm, cảm nhận hương vị gạo mới thơm thơm mùi nắng, bùi bùi nơi đầu lưỡi trong tâm thế kết đoàn và quần tụ.

Oi La Chí Phiếu say mê kể về những mùa cúng lúa mới. Ảnh: NGUYÊN HẬU

Đặc biệt trong ngày thu hoạch cuối cùng, bao giờ họ cũng giữ lại vài cụm lúa để đến lúc bày lễ cúng, người chủ cúng sẽ cột một sợi chỉ trắng từ bụi lúa ấy đến chòi canh lúa. Đó là nghi thức gọi “hồn lúa” về nhà. Có như thế, “hồn lúa” sẽ không bao giờ đi lạc, sẽ trú ngụ nơi sạp lúa, nơi bồ đựng hay chòi canh lúa. Có như thế, họ mới vững tin về mùa nối mùa, bồ đầy ắp thóc, bếp đỏ ửng mỗi sớm mai và người quanh năm no ấm đủ đầy.

Ngồi bên cạnh, mó La Lan Thị Bới bảo con trai của mó đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đang làm thuê tại TP Hồ Chí Minh vừa gọi về hỏi thăm, nói sẽ về đúng dịp cúng lúa mới và ăn tết. Với cộng đồng đồng bào nơi đây, dịp cúng lúa mới và dịp tết là thời điểm vui nhất năm. Bên liếp nhà sàn hay trên những triền lúa rẫy, người chủ hộ tự tay nắm nắm cơm mới cho từng thành viên, ăn kèm một miếng thịt nướng than lửa, thì bụng họ vững tâm hơn bởi con cháu cho dù làm ăn xa tận đẩu tận đâu vẫn nhớ về quê hương.

Cuối Chạp, tết đã cận kề, nắng có chút le lói song cái se se rét của miền sơn cước vẫn e ấp trong từng tàn cây, trong từng liếp tranh nhà sàn được đan rất khéo của những oi, những mó vô cùng hiền hậu. Oi Phiếu bảo đã thu hoạch xong ruộng lúa nhà mình rồi, phải kịp đẽo một bộ cung tên gỗ, cúng lúa mới rồi đón tết. Oi chỉ vào ché rượu bên cạnh bếp lửa, đó là rượu dành cho lễ cúng. Nơi này làng được bao bọc bởi đồi núi, mùa hạn nắng lên khô nứt đất, mây bay như khói phía chân trời nhưng mùa đông gió về lạnh cứa da cứa thịt. Bởi vậy, bên góc nhà sàn, bếp lửa thường giữ lại nhiều tro để vùi than ấm suốt khuya tận sáng. Những ché rượu đặt gần kề ở đó cũng đượm vị hơn nhờ được sưởi ấm bởi tro bếp trong những ngày giá rét.

Xe đi về tới chân dốc Ruộng, nhìn xuống thung lũng vẫn còn khói bếp bay lên vương vít và văng vẳng tiếng gà gáy trưa nối tiếp. Trong se se rét, nhà ai vừa nấu bữa cơm lúa mới, lẫn trong mùi khói là mùi cơm gạo đỏ. Đó là vị của đất, vị của trời, vị của buôn làng hay là vị của những ngày bình yên quá đỗi.

Hiện toàn xã có gần 70ha lúa nước hai vụ. Dọc theo những triền dốc thoải hoặc những rẫy vừa khai thác keo xong, đồng bào trồng lúa rẫy, giống lúa đá, lúa cúc trắng, cúc đỏ hay lúa thôn. Đây là giống lúa đặc trưng nơi này, cho hạt gạo lớn, cơm khô, có màu đỏ và rất hợp khi ăn với các món đồ nướng và mặn.

Ông So Minh Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ

NGUYÊN HẬU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252161/le-cung-lua-moi-noi-vung-cao-phu-mo.html