Lễ cúng 49 ngày là gì?

Lễ cúng 49 ngày là một buổi lễ cúng mở đầu của người sống đối với người đã khuất khi người đó qua đời được 49 ngày.

Mục lục bài viết

Lễ cúng 49 ngày theo quan niệm Phật giáo
Những việc gia quyến nên làm trong vòng 49 ngày
Lễ cúng 49 ngày nên làm sao cho đúng

Lễ cúng 49 ngày là một buổi lễ cúng mở đầu của người sống đối với người đã khuất khi người đó qua đời được 49 ngày.

Lễ cúng 49 ngày theo quan niệm Phật giáo

Trong tang lễ, sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết đã có “tục cư tang theo đạo Phật, cúng 49 ngày mới thôi”[1].

Theo kinh Địa Tạng Bổn nguyện, thì “sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả”[2].

Người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sinh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sinh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.

Mục đích là nhờ sức chú nguyện của chư tăng, ni, gọi là đức chúng như hải, mà hương linh thác sinh về cảnh lành. Tuy nhiên, nếu luận theo ý nghĩa của hai chữ cầu siêu, thì không phải chỉ trong 49 ngày thôi. Vì cầu siêu có nghĩa là cầu mong vượt qua: “Từ cảnh giới tối tăm xấu ác, vượt qua đến cảnh giới tốt đẹp an lành”. Hiểu theo nghĩa đó, thì lúc nào ta cũng phải cầu siêu, cầu siêu cho chính bản thân ta, đồng thời cũng cầu siêu cho mọi người luôn luôn được sống trong an lành.

Theo quan niệm của Phật Giáo thì sau khi âm hồn của người mất rời khỏi cơ thể liền chuyển vào giai đoạn gọi là “phân định nghiệp” trong vòng 49 ngày. Vì con người sống ở trên đời “Nhân vô thập toàn”, đều phải trải qua những việc tốt xấu đan xen. Chính vì vậy Chư Tổ mới cho chúng ta khoảng thời gian là 50 ngày sau khi âm hồn rời khỏi thể xác để đánh giá cái nghiệp mà ta tạo ra trong cả cuộc đời, để có thể tùy theo nghiệp nặng hay nhẹ mà tái sinh. Cho nên, trong thời gian phân định nghiệp này, Chư Tổ dạy chúng ta nên có các buổi cúng cầu siêu, niệm Phật hồi hướng để cho linh hồn của người đã khuất nhanh được siêu thoát và vào được cảnh lành.

Lễ cúng 49 ngày theo quan niệm Phật giáo. Ảnh minh họa.

Sau 49 ngày, phật tử và những thân nhân trong gia đình tiếp tục tụng kinh niệm Phật, thì đó là điều rất tốt. Dù cầu siêu hay không, người phật tử cũng nên tụng kinh niệm Phật để cho hiện đời mình được an lạc và đời sau cũng được an lạc.

Và sau mỗi lần tụng kinh niệm Phật như thế, thì phật tử cũng nên cầu nguyện cho hương linh thân nhân của mình, cũng như cho những vong hồn khác, rộng ra là cho cả pháp giới chúng sinh hữu tình vô tình đều trọn thành Phật đạo. Đây là thể hiện tấm lòng từ bi vị tha của người phật tử, như thế, cũng rất là tốt đẹp vậy.

Những việc gia quyến nên làm trong vòng 49 ngày

Nên tổ chức lễ tang đơn giản, tang lễ càng rườm rà càng hao tốn tiền của, sức lực một cách vô ích. Người mất không những không được lợi ích mà có khi còn phải gánh chịu thêm nghiệp quả xấu do thân nhân gia đình không biết nên tạo thêm nghiệp tội. Gia đình nên tiết kiệm phước, không được có bất cứ hành vi phung phí tiền bạc, thực phẩm… Phải vì người chết mà tích phước, làm việc công đức như: cúng dường Tam bảo, phóng sinh, ấn tống kinh sách, bố thí, làm từ thiện… Đem những công đức này hồi hướng cho người mới mất thì họ sẽ được lợi ích thù thắng, không gì sánh bằng.

Từ lúc người chết ra đi cho đến 49 ngày, gia đình thân quyến nên tránh sát sinh làm tiệc, làm cơm đãi đằng cúng tế, vì làm vậy người mất sẽ thêm tội, khó được siêu thoát.

Gia đình nên duy trì niệm Phật, tụng kinh, có thể để một chiếc đài nhỏ trên bàn vong và khai thị, nhắc nhở hương linh mỗi ngày. Làm như vậy nhất định sẽ giúp người thân của mình được giải thoát.

Nếu có thể thỉnh mời chư Tăng về nhà tụng kinh vào các ngày chung thất cũng rất tốt. Thân quyến nên chọn mời những bậc tu hành có đạo hạnh chân chính.

Nếu gia đình khó khăn về tài chính nên tùy sức, tùy duyên mà làm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, quan trọng là tâm chân thành, không nhất thiết mời thầy cúng, tự bản thân mình có thể tụng kinh niệm Phật và ăn chay. Quan trọng là thật tâm mong muốn làm những điều tốt nhất cho người đã khuất.

Chỉ nên cúng cơm chay thanh tịnh. Nếu không có điều kiện làm cỗ chay thì chỉ cần cơm canh đơn giản.

Lễ cúng 49 ngày nên làm sao cho đúng

Tùy theo yêu cầu của sư thầy làm lễ và đặc điểm của từng địa phương, lễ cúng 49 ngày sẽ bao gồm những vật cúng khác nhau. Có một số nơi thì người thân hay cúng những loại thức ăn mà lúc sinh thời người khuất thích ăn, cũng có nơi lại cho rằng làm như vậy sẽ khiến vong linh người đã khuất vương vấn trần gian mà không thể ra đi thanh thản.

Dù quan niệm như thế nào đi nữa thì rất nhiều sư thầy đều cho rằng khi cúng 49 ngày nên cúng cho người khuất đồ chay, vì cúng mặn sẽ vướng sát sinh, tăng thêm nghiệp cho người đã khuất. Trong thời gian phân định nghiệp nên ăn chay niệm Phật cho người đã khuất được thanh thản.

Thiện Minh (T/h)

Chú thích và tài liệu tham khảo

[1] Trịnh Hoài Đức (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Gia Định thành thông chí, Tập hạ, Phủ QVKĐTVH xb, S, 1972, trang 5.

[2] H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 111.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/le-cung-49-ngay-la-gi.html