Lễ bế mạc giản dị và đầy xúc động chính thức khép lại Paralympic Tokyo 2020

Toàn cảnh lễ bế mạc Paralympic Tokyo 2020 ở Tokyo (Nhật Bản). ngày 5/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tối 5/9, Paralympic Tokyo 2020, kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật đặc biệt nhất trong lịch sử, chính thức khép lại 13 ngày tranh tài sôi nổi với lễ bế mạc tại Sân vận động quốc gia thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Lễ bế mạc với chủ đề "Harmonious Cacophony" (Một bản hòa tấu) có sự tham dự của Thái tử Fumihito, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) Andrew Parsons và một số quan khách quốc tế khác.

Lễ bế mạc Paralympic Tokyo 2020 bắt đầu bằng màn pháo hoa rực rỡ. Ảnh: The Guardian

Paralympic năm nay được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và cả Tokyo, thành phố đầu tiên trên thế giới từng đăng cai 2 kỳ Paralympic.

Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới nước này để cổ vũ cho các VĐV, trong khi các nhà tổ chức cũng không cho khán giả trong nước tới sân để dự khán.

Phát biểu ngay trước lễ bế mạc, Chủ tịch IPC Andrew Parsons khẳng định thế vận hội này diễn ra trong bầu không khí tích cực ngay cả khi khán giả không được phép tới dự khán.

Sân vận động Olympic nhìn từ xa. Ảnh: AP

Ông Parsons cho rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai tại thế vận hội này đã phát huy hiệu quả giúp hạn chế số ca mắc ở mức hơn 300 ca liên quan tới Paralympic Tokyo 2020, trong đó không có ca nào nguy kịch.

Paralympic Tokyo 2020 có sự tham gia của hơn 4.400 VĐV đến từ 162 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng với đoàn thể thao người tị nạn. Đây là đại hội thể thao người khuyết tật có số lượng VĐV tham gia đông nhất từ trước tới nay, trong đó số lượng VĐV nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người - tăng 10,9% so với kỳ Paralympic trước đó tại Rio de Janeiro (Brazil).

Trong 12 ngày thi đấu chính thức, có 539 bộ huy chương được trao ở 32 môn, trong đó có 2 môn mới góp mặt lần đầu tiên ở đấu trường Paralympic là cầu lông và taekwondo.

Các vận động viên tham gia buổi bế mạc. Ảnh: EPA

Paralympic 2020 đã ghi dấu nhiều thành tích ấn tượng. Trong số này, phải kể tới “kình ngư” Lu Dong (Trung Quốc) phá kỷ lục thế giới với thành tích 37 giây 18 ở nội dung bơi ngửa nữ 50m hạng thương tật S5; VĐV Andrii Trusov (Ukraine) phá kỷ lục thế giới bơi ngửa 100m nam hạng S7 với 1 phút 8 giây 14; kỷ lục thế giới 249,6 điểm của xạ thủ Avani Lekhara (19 tuổi, người Ấn Độ) ở nội dung 10m súng trường hơi nữ hạng R2 SH1; kỷ lục thế giới do VĐV Francisca Mardones Sepulveda (Chile) thiết lập ở nội dung ném bóng nữ hạng F54 với độ xa 8,33m; hay VĐV Dinesh Priyantha (Sri Lanka) lập kỷ lục thế giới mới môn ném lao nam hạng F46 và mang về cho nước này HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympic... Những nỗ lực bền bỉ luôn được đền đáp như việc huyền thoại đua xe đạp Sarah Storey trở thành VĐV thành công nhất nước Anh với tấm HVC thứ 17 sau 29 năm “chào sân” Paralympic.

Tại Paralympic lần này, đoàn thể thao Trung Quốc giành được tổng cộng 207 huy chương, trong đó có 96 HCV, 60 HCB và 51 HCĐ, cao hơn nhiều so với tất cả các đối thủ còn lại, tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực thể thao người khuyết tật. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc nhất toàn đoàn ở các kỳ Paralympic, kể từ Athens 2004. Tuy nhiên, tại Tokyo 2020, họ không thể tái lập thành tích vượt mốc 100 HCV như những gì đã làm được tại Rio 2016 (107 HCV).

Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 2 với 124 huy chương, trong đó có 41 HCV, 38 HCB và 45 HCĐ. Đứng ở các vị trí thứ 3 và 4 trên bảng tổng sắp là các đoàn thể thao Mỹ và Ủy ban Paralympic Nga (RPC), với số HCV tương ứng là 37 và 36.

Các nghệ sĩ biểu diễn tại lễ bế mạc. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, đoàn thể thao nước chủ nhà Nhật Bản đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi giành được tổng cộng 51 huy chương, trong đó có 13 HCV, 15 HCB và 23 HCĐ, xếp thứ 11 chung cuộc. Trước đó, tại Paralympic Rio De Raneiro 2016, các VĐV Nhật Bản không giành được HCV nào.

Tại Paralympic Tokyo 2020, có 86 trong tổng số 162 đoàn thể thao tham dự giành được huy chương. Khu vực Đông Nam Á góp mặt 5 đoàn, trong đó đoàn thể thao Thái Lan đứng thứ 25 trên bảng tổng sắp với 5 HCV, 5 HCB và 8 HCĐ.

Tiếp đó là Malaysia đứng vị trí 39 với 3 HCV và 2 HCB; Indonesia đứng vị trí thứ 43 với 2 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ; Singapore đứng ở vị trí 48 với 2 HCV.

Các nghệ sĩ với trang phục bắt mắt tại lễ bế mạc. Ảnh: AP

Trong khi đó, kết thúc đại hội, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đứng vị trí thứ 75 với 1 HCB của đô cử Lê Văn Công ở môn Cử tạ, hạng cân 49kg. Tại Paralympic Tokyo 2020, các vận động viên khuyết tật Việt Nam đều đã nỗ lực tìm kiếm huy chương và vượt qua được thành tích của bản thân. Các môn thi cũng phản ánh đúng với thực tế và điều kiện thi đấu của các vận động viên khuyết tật Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

Kết thúc lễ bế mạc, Thống đốc Tokyo bàn giao cờ Paralympic cho bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris - thành phố đăng cai Paralympic 2024.

M.HÙNG (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/263616/le-be-mac-gian-di-va-day-xuc-dong-chinh-thuc-khep-lai-paralympic-tokyo-2020.html