Lấy sự sẻ chia làm lẽ sống

Đi làm từ thiện, tôi thấy mình mang niềm vui đến cho những người khó khăn, những người già neo đơn, khuyết tật. Đó còn là trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp với xã hội - ông Mai Văn Soạn nói

Ở tuổi 73, ông Mai Văn Soạn, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng), vẫn còn đầy nhiệt huyết. Ngoài thời gian cho hoạt động của công ty, ông còn dành tâm lực vào các hoạt động từ thiện xã hội.

Ông Mai Văn Soạn

Chọn hướng đi riêng

Trước năm 1975, ông Soạn tham gia kháng chiến chống Mỹ, có thời gian khá dài gắn bó với Xưởng Dược khu Trung Trung Bộ. Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác trong ngành dược tại Đà Nẵng.

Ngoài thời gian ở cơ quan, ông tranh thủ làm thêm đủ thứ nghề nhằm cải thiện cuộc sống vốn còn rất nhiều khó khăn lúc đó. Ông cặm cụi chăn nuôi, sản xuất xà phòng kem đến cả nấu bia hơi, buôn bán kiếm sống.

Tình hình khó khăn, áp lực về kinh tế đè nặng. Làm sao gia đình có cuộc sống dễ chịu hơn đã đưa ông đến một quyết định: xin thôi việc nhà nước! Ông Soạn rời công việc bàn giấy, văn phòng, chọn công việc khác nhưng phù hợp với ngành nghề. Ông vay vốn, phần mượn bạn bè, người thân đầu tư sản xuất lọ nhựa, ống xét nghiệm cung ứng cho ngành dược. Đầu ra cho sản phẩm hứa hẹn khá thuận lợi…

Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió. Sản phẩm được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Tổ sản xuất do ông lập ra đang trên đà phát triển, đón nhận nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Rồi đến lúc phải thoát ra khỏi mô hình sản xuất - kinh doanh chật chội đó, ông thành lập công ty, chấp nhận thách thức, hăng hái bước ra thương trường một cách tự tin hơn.

"Lúc đã ngoài năm mươi tuổi mới khởi nghiệp thì quá trễ tràng nhưng duyên đến thì cãi làm sao được" - ông cười khà khà nói vậy với tôi. Khó khăn cứ tiếp tục thách thức người thương binh hạng 2/4 nhưng ý chí vượt khó trong ông thì không hề cạn vơi.

Ông xác định thương trường không dành cho người nhởn nhơ, chờ thời cơ đến mà phải chủ động ứng phó và khéo léo xoay xở. Ông Soạn xác định vào cuộc chơi là chơi sòng phẳng, chơi bằng sức của mình. "Phải "liệu cơm gắp mắm" như ông bà mình đã dạy. Khi nào cần ngân hàng, lúc nào tận dụng vốn của mình. Phải chịu khó suy nghĩ đón đầu, lựa chọn thiệt hơn. Bạn bè, đồng nghiệp từng động viên tôi cứ tự tin tiến lên, họ sẵn sàng trợ giúp" - ông bộc bạch.

Nhiều giải pháp kinh doanh được vạch ra dựa trên kinh nghiệm lẫn căn cứ khoa học, kỹ năng quản lý và tình hình sản xuất - kinh doanh, từ đầu tư máy móc, nhân lực đến chọn thị trường. Tiêu chí để đưa sản phẩm ra thị trường là "Tốt chất lượng - Sạch môi trường" và hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Sản phẩm không chỉ cung ứng cho địa phương mà đã vươn rộng ra khu vực miền Trung và Tây Nguyên rồi theo chân công ty dược phẩm sang Nga, Ukraine…

Ông quan tâm chăm lo chu đáo cho người lao động trong công ty về việc làm, đời sống. Các chế độ chính sách cho người lao động được bảo đảm, từ lương - thưởng đến tổ chức cho họ tham quan, du lịch. Khi đời sống công nhân lao động trong công ty đã ổn, ông hướng ra cộng đồng bằng sự quan tâm và những việc làm thiết thực…

Nghĩ về người trước, lo cho người sau

Ông Soạn sắp xếp công việc công ty rồi cùng đồng nghiệp, đồng chí trở lại những chiến trường từng đã đi qua kiếm tìm đồng đội đã hy sinh; tìm thân nhân đồng đội ở Quảng Ngãi, Bình Định để nắm thông tin, kết hợp đi tìm hoặc báo kết quả bốc mộ. Hàng chục hài cốt liệt sĩ được trở về với người thân là niềm động viên rất lớn đối ông và đồng đội, bạn bè.

Ông chia sẻ với tôi rất chân tình: "Mình thành đạt, may mắn hơn nhiều người dù trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Đồng đội năm xưa nằm lại, thiệt thòi đã đành; người dân quanh mình cũng còn nhiều khó khăn cần được giúp đỡ. Tôi thấy mình có trách nhiệm với họ".

Vào những dịp Tết, ông đều chuẩn bị từ 20-25 suất quà, mỗi suất 300.000 đồng để giúp người dân nghèo, khó khăn trong khu dân cư Vĩnh An A, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng - nơi ông cư trú. Ông còn hỗ trợ 14 bình chữa cháy trang bị cho số hộ nghèo; lắp đặt cố định 150 chân đế để dựng cờ Tổ quốc trang trí vào các dịp lễ, Tết tăng thêm phần trang nghiêm…

Ông Mai Văn Soạn (thứ ba từ phải sang) trong lễ bàn giao nhà tình nghĩa

Từ năm 2017 đến năm 2020, ông tổ chức nhiều đợt "Hành quân về nguồn", trao tặng nhiều phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Năm 2020, trong đại dịch COVID-19, dù công ty đang gặp khó do tác động của dịch, ông vẫn kêu gọi, vận động nhiều người chung tay góp phần khắc phục hậu quả dịch bệnh cũng như thiên tai với tổng số tiền 190 triệu đồng.

Riêng ông, đóng góp trên 70 triệu đồng mua tặng máy đo thân nhiệt phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận; tặng quần áo, sách vở, tôn lợp nhà, xây dựng 2 nhà tình thương ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho người dân bị thiệt hại do núi lở, lũ cuốn.

Ông vận động đóng góp tặng 20 triệu đồng cho người dân xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong khu vực bị ảnh hưởng dịch COVID-19, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Trần Chi ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng...

Ông Mai Văn Soạn (phải) trao tặng 5.000 chiếc khẩu trang y tế phòng chống dịch cho các cựu chiến binh phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Niềm vui và trách nhiệm xã hội

Mấy lần cùng uống cà phê, ông kể tôi nghe về những chuyến đi bốc mộ liệt sĩ, những lần làm từ thiện ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng hay ở huyện vùng cao Tây Bắc xa xôi như Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với nhiều kỷ niệm khó quên…

Có lần tôi hỏi ông sao không dành thời gian du lịch đó đây để đền bù những tháng ngày vất vả, lăn lộn trong thương trường, ông bộc bạch: "Đi làm từ thiện, tôi thấy mình mang niềm vui đến cho những người khó khăn, những người già neo đơn, khuyết tật. Đó còn là trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp với xã hội".

Ngoài các danh hiệu cao quý được khen tặng, vào tháng 6-2021, ông vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Đã ngoài 70 tuổi, ông Mai Văn Soạn vẫn đau đáu việc đời, vẫn nghĩ đến những phận người kém may mắn, gặp phải hoạn nạn, gian nan đang cần được sẻ chia, an ủi; nghĩ về những đồng đội còn nằm lại đâu đó chưa có dịp về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

"Công việc sản xuất - kinh doanh ổn định rồi nên cũng yên tâm. Tôi sẽ chuyển giao dần dần công ty cho con quản lý, chỉ giữ vai trò cố vấn thôi. Sau thời gian gần gũi với hoạt động, con trai tôi cũng thích ứng, nắm vững công nghệ sản xuất rồi. Thời gian rảnh rỗi tôi dành cho những hoạt động xã hội" - ông Soạn nheo mắt cười.

Ngoài việc sản xuất - kinh doanh, ông còn dành thời gian hoạt động đoàn thể, xã hội tại địa phương. Ông làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh của phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Hội Cựu chiến binh quận.

Trong vai trò Trưởng Ban Liên lạc đồng hương, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông đã vận động đồng đội, đồng nghiệp đóng góp xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa, tặng 6 con bò giống cho các gia đình cựu thanh niên xung phong vào năm 2016; bảo trợ, đóng góp Quỹ Khuyến học, xây dựng trường, mua bàn ghế, máy vi tính, tặng xe đạp, góp tiền vào Quỹ Học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học của xã nhà...

LÊ KIM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-lay-su-se-chia-lam-le-song-2023021620470841.htm