Lấy nông dân làm trung tâm xây dựng chuỗi liên kết

Trên địa bàn huyện Đắk Song (Đắk Nông) có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các chuỗi liên kết đã nâng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Ngày 5/7/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nghị định đã tạo ra nhiều cơ chế, chính sách mới, sát với nhu cầu thực tiễn để xây dựng các liên kết trong sản xuất. Những năm qua, huyện Đắk Song là một trong những địa phương luôn tích cực triển khai thực hiện Nghị định 98 và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Vì lợi ích nông hộ

Hiện nay, hầu hết các loại nông sản chủ lực của huyện Đắk Song đã nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất và phát triển. Các chuỗi liên kết chủ yếu diễn ra theo hình thức liên kết dọc từ doanh nghiệp đến người dân sản xuất; liên kết ngang giữa người sản xuất với nhau (các tổ hợp tác (THT), HTX); liên kết hỗn hợp giữa doanh nghiệp với các THT, HTX; giữa người sản xuất với nhau trong cùng tổ hợp hoặc trong cùng HTX...

Nhờ thực hiện đa dạng các hình thức liên kết, đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân đang hợp tác sản xuất trên 300 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP; 1.204 ha hồ tiêu đạt các tiêu chuẩn Rain forrest. Ngoài ra, các đơn vị đã xây dựng chứng nhận VietGAP cho 8 ha rau, 40 ha sầu riêng, 25 ha bơ…

Diện tích hồ tiêu lớn nên rất khó cho việc quản lý về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước thực tế đó, Đắk Song đã triển khai các giải pháp, thúc đẩy các hình thức hợp tác phát triển sản xuất.

Trong đó, huyện hình thành các THT, HTX nông nghiệp. Đơn cử, HTX Nông nghiệp TMDV Hữu cơ Hoàng Nguyên ở xã Thuận Hà đã tập hợp nhiều hộ dân trên địa bàn để sản xuất tiêu sạch. HTX đã ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất tiêu hữu cơ, tạo ra chuỗi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, sản phẩm tiêu thụ trong nước giá không cao. Nếu muốn xuất khẩu ra thị trường thế giới thì bắt buộc sản phẩm phải đạt các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, HTX hướng dẫn xã viên triển khai theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Sản phẩm của HTX được xét nghiệm 804 chất dư lượng và đều có kết quả bằng 0. Đây là một thành quả mà HTX đã đạt được sau 2 năm trồng tiêu hữu cơ. Đến nay HTX đã mang sản phẩm đi chào hàng cho hàng chục đối tác nước ngoài và đều được đón nhận.

Bà Thu cho biết: “HTX luôn thực hiện phương châm lấy xã viên làm trung tâm của mối liên kết. Bởi vì người nông dân là yếu tố quyết định đến sự thành bại của chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đây cũng là vì lợi ích của nông hộ”.

Ngoài triển khai mô hình hợp tác sản xuất, Đắk Song còn thực hiện các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và người dân. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành 31 chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm heo thịt, gia cầm; 5 chuỗi sản xuất tiêu thụ hồ tiêu.

Các sản phẩm của các chuỗi liên kết đều áp dụng các tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước cũng như quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết

Nghị định 98/2018/NĐ-CP đã mở ra cơ hội, tạo động lực lớn trong phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trên một số nội dung còn thấp, trình tự thủ tục phức tạp.

Do đó, quá trình triển khai tại địa phương còn lúng túng, làm ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện các mục tiêu trong phát triển liên kết chuỗi.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Song, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo kết nối giữa vùng sản xuất và thị trương tiêu thụ, huyện đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp.

Huyện khuyến khích, thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế trong xã hội và tăng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, phát triển nông thôn, ưu tiên hỗ trợ các chuỗi ngành hàng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Xu hướng của huyện là tập trung đầu tư có trọng điểm vào các ngành hàng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Huyện đã đề xuất và xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm ưu tiên những doanh nghiệp kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài, đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao và tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp…

Ngoài ra, Đắk Song sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động THT, HTX, khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nông dân và lao động nông thôn theo hướng chuyên nghiệp.

Văn Tâm

831

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/lay-nong-dan-lam-trung-tam-xay-dung-chuoi-lien-ket-86940.html