Lấy gỗ làm giấy, bộ đục làm bút, tạc nên tuyệt tác

Mắt thấy tay sờ những phật Di Lặc, Đạt Ma sư tổ, người mẹ, hoa sen... được tạc công phu trông rất có hồn, chúng tôi mới hiểu vì sao chạm khắc gỗ thành phố Tuyền Châu là một đại diện của nghệ thuật dân gian tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Nghệ thuật chạm khắc gỗ Tuyền Châu có nguồn gốc từ thời nhà Đường (618-907), và dần dần trở thành một nghề thủ công phát triển mạnh sau thế kỷ 15.

Năm 16 tuổi, Tôn Văn Dũng (Sun Wenjong) học nghề chạm khắc gỗ từ cha mình - nghệ nhân Tôn Đỉnh Khuê (Sun Dingkui nổi tiếng khắp Phúc Kiến). Giờ đây, nghệ nhân Tôn Văn Dũng là thành viên Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Trung Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Tuyền Châu.

Tác phẩm "Thú vui đánh cờ công tử" của nghệ nhân Tôn Văn Dũng. Ảnh: Linh Nhi.

Nhiều tác phẩm tượng gỗ của ông giành huy chương vàng, bạc tại các festival, được trưng bày ở nhiều nơi trang trọng, sang chảnh.

Tương tự, nhiều tác phẩm của nghệ nhân Đặng Hoàng Chương (Xưởng điêu khắc gỗ Đặng gia ở Tuyền Châu) cũng giành giải thưởng, được những người đam mê nghệ thuật chạm khắc gỗ đánh giá cao.

Ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến cũng có không ít nghệ nhân tạc tượng gỗ nổi tiếng. Một số tác phẩm của nghệ nhân Dương Học Đức (Yang Xuede) được Trung tâm Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Phúc Châu trưng bày ở sân bay quốc tế Trường Lạc Phú Châu, như bức "Người mẹ", "Chết rồi vẫn học"...

Tác phẩm "Người mẹ" của nghệ nhân Dương Học Đức. Ảnh: Linh Nhi.

Gỗ lũa, gỗ nu

Các nghệ nhân thường dùng gỗ có thớ mịn, dai để điêu khắc như hoàng dương, sưa Hải Nam, mun, hoặc gỗ có mùi thơm như đàn hương, nhai bách (còn gọi là gỗ song sắc)...

Ngoài ra, gỗ dạng lũa hoặc nu cũng được nghệ nhân và công chúng yêu thích bởi tác phẩm có vẻ đẹp tự nhiên "ít dao kéo" và độc đáo.Lũa là thân cây, rễ cây to đổ gãy bị ngập trong nước, trong bùn nhiều năm, lớp gỗ ngoài cùng hoặc lớp lõi mủn ra, mục đi, chỉ còn lại lớp trong cùng hoặc lớp giữa cứng đanh trơ gan cùng tuế nguyệt.

Nu là là sẹo, u, cục xuất hiện khi cây bị thương (sét đánh, mối đục, người buộc dây thép...). Nu gỗ vì thế có hình thù kỳ dị, cổ quái, màu sắc khác biệt, vân gỗ khác thường.

Tác phẩm "Chết rồi vẫn học" của nghệ nhân Dương Học Đức. Ảnh: Linh Nhi.

Nghệ nhân trẻ Phạm Ngọc Khánh, nổi tiếng với tài đục tượng Đạt Ma sư tổ tại làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nói: "Tay nghề nghệ nhân, thợ tạc tượng gỗ ở Trung Quốc cao vì họ đam mê sống được với nghề. Nhưng họ không có nhiều loại gỗ quý hiếm như ở Việt Nam; họ đang lùng mua gỗ trắc, hoàng đàn, trầm, cẩm... của mình. Trong khi đó, họ được công nghệ thiết kế và khắc 3D hỗ trợ rất nhiều, giảm đáng kể thời gian, công sức".

Dưới đây là một số tác phẩm của các nghệ nhân chạm khắc gỗ ở Tuyền Châu và Phúc Châu (ảnh: Linh Nhi):

Thái An-Linh Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lay-go-lam-giay-bo-duc-lam-but-tac-nen-tuyet-tac-post1588704.tpo