Lát gỗ lim làm đường ven sông Hương: Ý tưởng trên mây

TS.KTS Trần Đình Hiếu cho rằng cần xem lại vật liệu gỗ lim dùng trong thiết kế vì nó không phù hợp điều điều kiện khu vực này.

Vật liệu tốn kém nhưng không phù hợp

Mới đây Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ tổ chức trưng bày dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương” tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế) để người dân cho ý kiến. Theo dự án này thành phố sẽ xây dựng con đường đi bộ lát bằng gỗ lim cũng như các tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện, ki ốt... nhằm tạo cảnh quan ven bờ sông Hương.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS.KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc – Đại học khoa học Huế cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển khu vực quanh sông Hương.

“Tôi nghĩ việc tạo ra không gian mới 2 bên bờ sông Hương ở phía bờ Nam là cần thiết. Vì theo chiều hướng phát triển thì chúng ta không thể giữ mãi như vậy được. Chúng ta phải tính đến vừa làm chức năng mới, tái tạo không gian mới vừa phải đảm bảo không làm ảnh hưởng, không làm biến đổi hình thái, hình dáng của 2 bờ sông Hương.

Đối với người Huế, họ vẫn có gì đó muốn níu giữ sông Hương nguyên trạng như thế. Tôi nghĩ việc tạo ra những cảnh quan ở phía bờ Nam sẽ đáp ứng được nhu cầu về du lịch. Người dân, khách du lịch thì họ rất mong muốn có những điểm có thể thưởng ngoạn được, giải trí được, cái này rất quan trọng”, TS.KTS Hiếu khẳng định.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kiến trúc, quy hoạch, vị trưởng khoa cho rằng việc đánh giá công trình có hợp lý hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó phải xem xét toàn bộ không gian, khu vực kết nối giữa bến thuyền với hệ thống dưới gầm cầu của khu vực cầu Phú Xuân mới.

Tuy nhiên một yếu tố mà TS.KTS Hiếu cảm thấy lo lắng khi nhìn vào dự án chỉnh trang cảnh quan sông Hương đó là dùng gỗ lim để lát đường đi bộ.

Theo vị KTS, tại một số nước du lịch như ở cộng hòa Séc, đặc biệt là thủ đô Praha người ta đã tạo ra các vật liệu gần gũi với thiên nhiên để khiến du khách cảm thấy thoải mái nhất tuy nhiên với đặc điểm của Việt Nam thì việc dùng gỗ lim để lát đường thì cần phải xem lại tính bền vững của vật liệu.

“Gỗ lim chúng ta thấy là một số cái công trình kiến trúc truyền thông ở Huế trong các lăng tẩm ở đó thì người ta sử dụng gỗ lim rất nhiều nhưng để lát phố đi bộ trên sông Hương thì cần phải đánh giá lại.

Chúng ta nên xem xét để tạo ra những vật liệu khác thay thế, còn gỗ tôi nghĩ phần trên cao, lan can hay tay vịn thì cần thiết thôi. Còn bên dưới tôi cho rằng phải đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng, người đi là quan trọng. Trên suốt quãng đường, người ta đi guốc đi dép hay tất cả các đối tượng không bị trơn trượt, không bị vấp ngã. Gỗ có thể xảy ra mục, ảnh hưởng đến độ an toàn, nhất là khi xảy ra lũ lụt.

Thứ hai gỗ thì đến thời điểm nào đó mình phải thay thế. Đặc biệt khi làm bằng gỗ thì chúng ta phải làm thành tấm một ghép lại với nhau. Mà khi ghép lại với nhau, bao giờ cũng tạo ra một cái khe hở. Khe hở đó thời gian đầu mình có thể sử dụng dễ dàng nhưng thời gian sau thì nó lại rất khó có độ bền được”, TS.KTS Hiếu chỉ rõ vấn đề.

Ngoài ra, trưởng khoa kiến trúc, Đại học Khoa học Huế còn lưu ý đến vấn đề tài chính khi gỗ lim là một vật liệu đắt và không dễ tìm kiếm.

“Đây là một công trình công cộng nên tôi nghĩ việc thu phí thì nó không thể thực hiện được. Cho nên tôi cho rằng nó được thực hiện bằng nguồn vốn của nhà nước đầu tư. Tôi nghĩ như vậy có phù hợp hay không? Khi chúng ta phải bảo trì, xây dựng nó lên rồi gỗ lim chúng ta tìm cũng không phải dễ đúng không? Rồi từ những cái đó rồi quấ trình sử dụng, quá trình xảy ra thiên tai, rồi nắng nóng nhiều như vậy thì những cái đó tác động rất lớn trong việc độ bền vững của vật liệu đó”, TS Hiếu nhấn mạnh thêm.

Không tác động quá nhiều

Đánh giá tổng thể, KTS Hiếu cho rằng những thay đổi 2 bên xung quanh sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cảnh quan sông Hương.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lat-go-lim-lam-duong-ven-song-huong-y-tuong-tren-may-3305636/