Lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô cá nhân: Chỉ khuyến khích là phù hợp!

Thông tin Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình trên xe ô tô cá nhân chứ không bắt buộc nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, đồng tình của người dân, dư luận. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Quân đội nhân dân ghi nhận, chia sẻ ý kiến của một số luật sư và người dân.

Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Nếu bắt buộc sẽ phát sinh nhiều vấn đề

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (lần thứ tư), Bộ Công an đề xuất quy định xe ô tô cá nhân phải lắp thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì quy định này không cần thiết, có thể xâm phạm quyền riêng tư cá nhân và không có ý nghĩa nhiều đối với công tác quản lý. Dưới góc độ quản lý nhà nước, càng có đầy đủ dữ liệu, càng có nhiều thông tin thì quản lý càng dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, những thông tin của cá nhân cũng được xác định là bí mật đời tư cá nhân, nếu cung cấp có thể ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, hạnh phúc gia đình, thậm chí gây ra mất an toàn cho người dân. Bởi vậy, việc quy định xe ô tô cá nhân phải gửi hành trình di chuyển tới trung tâm dữ liệu để quản lý hành trình của từng cá nhân là chưa cần thiết và có thể phát sinh nhiều hệ lụy cho người dân.

 Bộ Công an chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc xe ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình là phù hợp. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bộ Công an chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc xe ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình là phù hợp. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Thực tế cho thấy, rất nhiều camera hành trình hiện nay có thu cả âm thanh, có hành trình chi tiết được lưu giữ trong thiết bị. Trên xe ô tô thì rất nhiều câu chuyện cá nhân, bí mật đời tư được chia sẻ. Bởi vậy, nếu những thông tin đó bị thu giữ mà không quản lý được dẫn đến rò rỉ, bị đánh cắp thì rất nguy hại đối với người dân.

Trong khi đó, việc sử dụng những thông tin trên chỉ có ý nghĩa khi xử lý vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật hình sự. Tỷ lệ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong tổng số dân là không cao. Trong khi đó, chúng ta có nhiều biện pháp nghiệp vụ, các nguồn thông tin từ người làm chứng, từ dấu vết để lại trên hiện trường, từ trích xuất dữ liệu camera ở các ngã tư, những hộ kinh doanh mặt đường... Chính vì vậy, không cần thiết phải thu thập tất cả thông tin hành trình di chuyển của phương tiện cá nhân.

Việc thu thập thông tin này sẽ gây tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội vì người dân phải đầu tư số tiền không nhỏ mua thiết bị và kết nối, duy trì kết nối với trung tâm dữ liệu. Quy định này nếu được thông qua sẽ kéo theo một lượng tài chính, phương tiện kỹ thuật vật chất rất lớn để lưu giữ những thông tin nói trên và cần thêm lực lượng để quản lý, phân tích thông tin.

Quy định giám sát hành trình chỉ có ý nghĩa đối với các phương tiện vận tải kinh doanh để quản lý hoạt động kinh doanh. Còn đối với công dân thì cần tôn trọng quyền tự do cá nhân, tôn trọng bí mật đời tư cá nhân; hạn chế đưa ra các quy định có thể trở thành rào cản đối với quyền tự do công dân, trong đó có các quyền riêng tư cá nhân, bí mật đời tư cá nhân.

Ban soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các cơ quan chức năng cần lưu ý đến nội dung này để bảo đảm các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, phát huy tính hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước và bảo đảm tính khả thi, tránh tiêu cực, hệ lụy phát sinh từ những quy định pháp luật chưa thực sự hợp lý.

Luật sư LÊ VĂN LÊN, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh:

Chỉ nên khuyến khích, khuyến cáo

Đề xuất của Bộ Công an tại Điều 33 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (lần thứ tư) cũng có nhiều ý kiến trái chiều vì nếu bắt buộc phải lắp camera hành trình giám sát trên ô tô cá nhân thì các dữ liệu liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân của người lái xe có thể bị thu thập và tiết lộ, xâm phạm đến quy định về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân quy định tại Điều 21 Hiến pháp và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP, xe ô tô kinh doanh vận tải lần đầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Riêng với xe ô tô cá nhân, dù chưa quy định nhưng nhiều chủ phương tiện đã tự trang bị hệ thống camera hành trình.

Việc lắp camera chủ yếu với mục đích theo dõi, ghi lại hình ảnh bên ngoài xe trong quá trình tham gia giao thông, chứ không dùng để quan sát phía trong xe. Dữ liệu thu thập từ camera hành trình sẽ do chủ xe quản lý (không có nghĩa vụ chia sẻ với người khác), sử dụng tùy mục đích cá nhân, ví dụ như giải quyết các tranh chấp liên quan đến pháp lý, bảo hiểm nếu xảy ra va chạm.

Vì vậy, chỉ nên khuyến khích, khuyến cáo chủ phương tiện ô tô cá nhân lắp đặt camera hành trình (thực tế nhiều chủ xe thấy lợi ích của việc này và đã lắp) thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc.

Anh NGUYỄN THÀNH KHIÊM, giáo viên dạy lái xe ô tô ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên:

Ủng hộ đề xuất chỉ khuyến khích

Tôi rất vui mừng khi hay tin Bộ Công an chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc xe ô tô cá nhân phải lắp thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình. Để lắp đầy đủ các thiết bị này và duy trì kết nối, truyền tải dữ liệu, mỗi người dân phải bỏ ra số tiền không nhỏ, đến vài triệu đồng.

Vì thế, nếu bắt buộc thực hiện sẽ gây lãng phí tiền của của người dân; thêm gánh nặng chi phí quản lý cho Nhà nước, trong khi nó không thực sự cần thiết và mang lại hiệu quả cao, không những thế còn phát sinh thủ tục đăng kiểm và lỗi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt khi xe tham gia giao thông...

Anh ĐOÀN THANH TÙNG, người dân ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội:

Sẵn sàng cung cấp video bằng chứng

Ngay khi mua xe ô tô, một trong những việc đầu tiên tôi làm là lắp camera hành trình để phòng khi xảy ra va chạm giao thông sẽ có bằng chứng để tiến hành giải quyết, tránh tranh cãi, rắc rối không đáng có cho mình. Ngoài ra, tôi sẵn sàng phối hợp, cung cấp video, hình ảnh để giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý trường hợp vi phạm, gây tai nạn.

Thực tế hiện nay, nhiều người dân cũng rất tích cực, chủ động cung cấp video các vụ tai nạn giao thông cho người liên quan và cơ quan chức năng thông qua mạng xã hội. Vì thế, nếu Bộ Công an bắt buộc xe ô tô cá nhân phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình là không cần thiết. Việc này dễ gây phiền hà cho người dân, phát sinh thủ tục, tiêu cực trong đăng kiểm, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lap-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-tren-xe-o-to-ca-nhan-chi-khuyen-khich-la-phu-hop-745577