Lập Thạch cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022

Năm 2022, huyện Lập Thạch đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 11 - 13%. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, huyện Lập Thạch đã triển khai động bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, song không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid - 19.

Lập Thạch đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng lấy công nghiệp là nền tảng. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Giày Lập Thạch. Ảnh: Chu Kiều

Lập Thạch đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng lấy công nghiệp là nền tảng. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Giày Lập Thạch. Ảnh: Chu Kiều

Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, huyện Lập Thạch tiếp tục thực hiện chủ trương “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế”.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 11 - 13%, huyện đã triển khai động bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, song không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid - 19.

Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT - XH; giải quyết kịp thời, dứt điểm các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng toàn dân và an ninh trật tự.

Chính quyền các cấp và các cơ quan cấp huyện năng động, chủ động, sáng tạo theo tư duy mới để đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ nhằm phục vụ người dân tốt nhất.

Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Phan Tuệ Minh cho biết: Khôi phục và phát triển KT - XH trong điều kiện bình thường mới, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo, yêu cầu các ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp (DN) cụ thể hóa các nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của các cấp ủy, chính quyền về đổi mới công tác quản lý, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng để nhân dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây thanh long ruột đỏ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, sử dụng các giống cây có chất lượng, giá trị kinh tế cao; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra, thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức trong việc thuê, gom ruộng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trong chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, phân tán, sang chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung ngoài khu dân cư theo vùng và xã trọng điểm. Khuyến khích chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Cơ cấu lại ngành chăn nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT tăng năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng lấy công nghiệp là nền tảng, Lập Thạch đặc biệt quan tâm, hỗ trợ thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB, hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp (CCN) như dự án đường vành đai 2, đoạn từ ĐT.305 - QL2C huyện Lập Thạch (giai đoạn I); dự án đường ngoài hàng rào khu công nghiệp huyện Lập Thạch, tuyến từ ĐT.305 đi ĐT.306; dự án mở rộng đường từ cầu Bì La đi thị trấn Lập Thạch; dự án nâng cấp cải tạo ĐT.307 đoạn từ xã Xuân Hòa đi QL2C (cầu Liễn Sơn)… để thu hút đầu tư.

Cùng đó, hỗ trợ SXKD phục hồi, phát triển ổn định hiệu quả, huyện yêu cầu các ngành, địa phương giải quyết sớm, dứt điểm những đề xuất, kiến nghị của các DN, cơ sở, hộ SXKD, nhất là những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, địa bàn; phân cấp mạnh cho cơ sở gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước.

Trần Tỉnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75363/lap-thach-cu-the-hoa-cac-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-nam-2022.html