Lấp lánh tài năng một trí thức lớn

Ngày 1-11, Hội Nhà văn Hà Nội, Trung tâm văn hóa Đông Tây, Thư viện Hà Nội và gia đình tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm sinh học giả Lê Văn Hòe - Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà giáo.

Học giả Lê Văn Hòe - bút danh là Vân Hạc, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1911 tại làng Mụ bên sông Đáy, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Đông (sau là là Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). 6 tuổi ông học chữ Hán. 9 tuổi bắt đầu học tiếng Pháp. Ông học trường Bưởi, sau cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh của học sinh, ông thôi học và bắt đầu làm báo, viết sách.

Tài hoa văn chương của Lê Văn Hòe phát lộ rất sớm. Năm 1927, lúc mới 16 tuổi, ông đã viết cuốn sách đầu tay: cuốn sách giáo khoa Khai tâm luân lý;năm 1930 - 19 tuổi - viết cuốnBể lòng, đây là cuốntruyện văn học đầu tiên của ông; năm 1931, Lê Văn Hòe cho in tập Mảnh hồn thơ, một trong những tập thơ của dòng văn học lãng mạn. Vậy là chỉ mới tròn 20 tuổi, Lê Văn Hòe đã đặt chân vào cả ba lĩnh vực: thơ ca, văn xuôi và giáo khoa thư, lĩnh vực nào cũng có những thành công đáng kể.

Năm 1936, Lê Văn Hòe tham gia Ban biên tập báo Đời mới. Tờ báo này ra được 6 số thì bị chính quyền thực dân đóng cửa. Sau đó ông tiếp tục hoạt động tính cực trong làng báo, làm Chủ bút tờ Ngọ báo(sau đổi tên là Việt báo) và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc chủ nhật. Từ năm 1941 trở đi, Lê Văn Hòe mở Nhà xuất bản Quốc học thư xã, vừa làm Giám đốc vừa viết sách nghiên cứu văn học và sử học.

Thời gian này, Lê Văn Hòe đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với các trí thức lớn cùng thời. Trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo”, nhà văn Vũ Bằng đã dành nhiều trang ghi lại những kỷ niệm chân thật về Lê Văn Hòe. Vũ Bằng nhắc đến thái độ đúng đắn của Lê Văn Hòe trước một bài nói về đức bà Maria và chúa Giêsu đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy bị một vài cha cố Tây lúc ấy làm khó dễ. Vũ Bằng nhớ lại thời làm báo Tiểu thuyết thứ bảy và cho biết: “Ông Đào Trinh Nhất cũng như cụ Bùi Kỷ, Nguyễn Quang Oánh dăm thì mười họa mới đến tòa báo nói đôi ba câu chuyện. Tòa soạn, làm thường trực có Hồ Khắc Trang, Lê Văn Hòe, Huyền Hà” (...)“Vân Hạc Lê Văn Hòe trái ngược hẳn với Hiệp.

Tùng Hiệp quậy bao nhiêu, trẻ bao nhiêu, vui đời bao nhiêu thì Vân Hạc Lê Văn Hòe lại nghiêm bấy nhiêu, trịnh trọng bấy nhiêu và già bấy nhiêu. Người đọc báo xem văn Lê Văn Hòe, tác giả những cuốn như “Tầm nguyên tự điển”, sổ hàng tràng chữ nho ra trong các bài báo, tưởng đâu Lê Văn Hòe không là một ông cụ lụ khụ thì cũng râu ria đạo mạo, có cháu nội cháu ngoại rồi. Lầm. Vân Hạc Lê Văn Hòe cũng sát soát cùng tuổi với chúng tôi khi đó, nhưng cũng như Đào Trinh Nhất, anh có một tư thế hơn nhiều anh em khác, là vì anh là người… Tây pha Nho, thêm cái đức tính viết khỏe, viết nhanh mà lại sống ngăn nắp, giữ được nhiều tài liệu, nên bất cứ vấn đề gì nêu ra trong “Trung Bắc chủ nhật” và “Báo mới”, anh thường với tay ra là có”.

Lê Văn Hòe là một nhà báo, nhà văn được đồng nghiệp nể trọng. Đối với chính quyền thực dân lúc ấy, ông có thái độ rõ ràng, nhiều phen tỏ ra không chịu khuất phục… nên ông từng bị chính quyền bảo hộ làm rầy rà. Thậm chí vào đầu những năm 40, khi ông được anh em tín nhiệm bầu vào lãnh đạo nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ thì bị chính quyền gạch đi.

Học giả Lê Văn Hòe

Năm 1945, Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ báo hằng ngày Quốc giado ông Trần Huy Liệu làm chủ nhiệm - tờ báo công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ông làm Trưởng Ban tuyên truyền sáng tác Trung ương đời sống mới, sáng tác và vận động sáng tác ca ngợi, cổ vũ chế độ mới của đất nước vừa thoát ách nô lệ. Thời gian này ông tham gia Mặt trận Liên Việt. Ông Lê Văn Hòe là Đại biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I năm 1946. Từ năm 1954, Lê Văn Hòe làm giáo viên giảng dạy văn học và lịch sử ở trường Albe Saraut cho đến 1964, sau đó về trường cấp Tam Hiệp, Thanh Trì dạy học tiếp và ông mất ngày ngày 13 tháng 12 năm 1968 tại nhà riêng 74 phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.

Sự nghiệp sáng tác của Lê Văn Hòe đáng chú ý và đáng kể nhất chính là giai đoạn sau khi ông thành lập Quốc học thư xã. Nhà xuất bản này đã ấn hành khá nhiều tác phẩm của các tác giả tên tuổi đương thời như Vũ Bằng, Phạm Quỳnh, Thành Thế Vĩ..., và đặc biệt, qua Quốc học thư xã,Lê Văn Hòe cũng liên tiếp cho in hàng loạt sách nghiên cứu, dịch thuật, phê bình văn học và lịch sử của mình. Khá nhiều cuốn được ngành giáo dục thời ấy chọn làm sách giáo khoa hoặc tài liệu giảng dạy cho học sinh các trường phổ thông, được đông đảo dư luận ghi nhận, khen ngợi và nhiều tầng lớp độc giả đón đọc nồng nhiệt. Nhiều cuốn sách bán hết rất nhanh trong thời gian ngắn, phải tái bản nhiều lần để đáp ứng nhu cầu bạn đọc cả nước.

Dịch giả kỳ cựu Thúy Toàn kể lại, ông đã rất bất ngờ khi đọc những bài thơ Nga do Lê Văn Hòe dịch (của Lermontov và Zadovskaia được xuất bản từ những năm 1952 trong vùng tạm chiếm. Đặc biệt, nói đến sự nghiệp văn học khá dày dặn của Lê Văn Hòe, không thể không nói đến Truyện Kiều chú giải, cuốn sách dụng công, đồ sộ và nổi bật nhất bộc lộ vốn tri thức uyên thâm về cả Đông - Tây kim - cổ và tài năng, học thuật của ông. Khá nhiều nhà nghiên cứu và học giả tên tuổi, sau khi xem Truyện Kiều chú giải đã nhận xét rất chân thành về sự tài tình và kỹ lưỡng trong chú giải, cẩn trọng và tinh vi trong bình luận, nghiêm túc khách quan trong hiệu đính mà vẫn bày tỏ được chính kiến cá nhân, đồng thuận với nhận thức và suy nghĩ của đại đa số độc giả.

Hải Yến

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/lap-lanh-tai-nang-mot-tri-thuc-lon-c1040n20111101195629328p0.htm