Lấp khoảng trống pháp luật về bảo vệ trẻ em tham gia giao thông

Trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Các quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông dù đã có nhưng chưa đầy đủ. Do đó, khoảng trống pháp luật này cần được bổ sung đầy đủ trong quá trình việc hoàn thiện các dự thảo luật liên quan đến vấn đề này. Đây là kiến nghị đưa ra tại Tọa đàm 'Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều qua, 7.5, tại Hà Nội.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trẻ em là đối tượng tham gia giao thông thụ động, phụ thuộc nhiều vào người lớn khi tham gia giao thông. Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do TNGT. Tại Việt Nam, TNGT cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng, PGS.TS. Phạm Việt Cường chia sẻ tại tọa đàm

Thực tế cho thấy, thương tích giao thông đường bộ ở trẻ em là gánh nặng quá lớn ở các nước có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. Nhận định về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ em, trong đó, hạ tầng giao thông hiện đang thiếu không gian an toàn cho người đi bộ. Lượng lớn xe máy, ô tô và các phương tiện khác đi chung đường, thường không có phân làn, làm tăng đáng kể rủi ro cho trẻ em và người đi bộ, đặc biệt là việc băng qua đường. Ở Việt Nam, xe máy là phương tiện chính của gia đình, thường chở nhiều trẻ em với đồ bảo hộ tối thiểu.

Mặc dù đã có các quy định về mũ bảo hiểm trên thực tế vẫn có mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, đội chưa đúng, trong đó có mũ bảo hiểm cho trẻ em. Dù đã được tuyên truyền nhưng cha mẹ và trẻ em có thể đánh giá thấp những nguy hiểm trên đường, đặc biệt là trong môi trường quen thuộc, dẫn đến thái độ tự mãn hoặc hành vi không an toàn.

“Thiếu hoặc thực thi chưa đầy đủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là sử dụng các thiết bị như mũ bảo hiểm, dây an toàn, thiết bị an toàn trên ô tô cũng là các nguy cơ góp phần tăng nguy cơ TNGT với trẻ em” - ông Cường nhấn mạnh.

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TS. Trần Hữu Minh chia sẻ tại tọa đàm

Cùng quan điểm này, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, những quy định pháp luật của chúng ta đối với vấn đề này còn “chỗ thiếu, chỗ bất cập”. Theo quy Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì tất cả người ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, gồm cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, khi rà lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với mũ bảo hiểm cho trẻ em thì chưa có quy chuẩn rõ ràng. Ngoài ra, khi di chuyển trên xe ô tô, dây an toàn rất tốt bảo vệ trẻ, song hiện mới chỉ quy định cho người trưởng thành. Hiện nay, chúng ta lại chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em. Như vậy, vẫn còn những khoảng trống về mặt pháp luật cần phải bổ sung để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, ông Minh kiến nghị.

Quy định thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô là cần thiết

An toàn giao thông cho trẻ em là một vấn đề cấp thiết và cấp bách cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm để xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Khoản 3 Điều 10 cần bổ sung quy định “không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế” và bỏ cụm từ “mà không có người lớn ngồi cùng”.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ tại tọa đàm

Lý giải về đề xuất này, bà Hòa cho rằng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe. Điều này xuất phát từ việc “khi túi khí bung ra, nó có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em kể cả khi trẻ ngồi trong thiết bị an toàn quay mặt về phía sau”. Theo Sổ tay các biện pháp an toàn đường bộ, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương cho trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Số liệu từ điều tra về an toàn giao thông năm 2023 cũng cho thấy, có 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Bên cạnh đó, quy định hiện tại Khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật trong quá trình thực hiện trong thực tế có thể được giải thích theo hướng, nếu trên xe ô tô có người lớn ngồi cùng, trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m có thể không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp; tương tự đối với trường hợp xe máy có người lớn ngồi cùng và trẻ em dưới 6 tuổi. Điều này sẽ không bảo đảm được sự an toàn của trẻ khi tham gia giao thông đường bộ do người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô vì dây đai an toàn chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi và cao 1,35m trở lên. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đạp và bị thương nghiêm trọng. Người lớn lái xe chở trẻ tham gia giao thông trên xe ô tô và xe máy đều có thể được coi là người lớn ngồi cùng, bởi lẽ chưa có quy định nào trong dự thảo Luật tách rời 2 khái niệm này, bà Hòa lý giải.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Xuân Hằng chia sẻ tại tọa đàm

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Xuân Hằng, Bộ Y tế đánh giá cao dự thảo Luật ở “khía cạnh về bảo vệ trẻ em là rất ý nghĩa, phù hợp với xu thế hiện nay, đặc biệt là quy định liên quan đến thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ em, lần đầu tiên một quy định như vậy được thể hiện trong dự thảo văn bản luật”.

Theo quy định, dự thảo Luật quy định, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m ngồi trên tô tô phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Ủng hộ quy định này, song theo bà Hằng, dự thảo Luật lại không loại trừ phương tiện ô tô nào, bởi nếu áp dụng quy định này trên xe bus là không khả thi. Trên thế giới hiện cũng chỉ quy định buộc phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ đối với phương tiện cá nhân, bà Hồng nói.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/lap-khoang-trong-phap-luat-ve-bao-ve-tre-em-tham-gia-giao-thong-i370852/