Lắp đèn chiếu sáng bị điện phóng trúng, một người tử vong, một người nguy kịch

Trong lúc lắp lại hệ thống đèn chiếu sáng tại KCN Đồng Văn 2 ở Hà Nam, hai nhân viên bảo vệ đã bị điện cao thế phóng trúng khiến một người tử vong tại chỗ.

Báo Dân trí đưa tin, vào khoảng 9h sáng ngày 17/5, tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, do hệ thống đèn chiếu sáng tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 bị hỏng nên 2 nhân viên bảo vệ được giao nhiệm vụ đi lắp đặt lại đèn chiếu sáng.

Trong lúc đang dịch chuyển giàn giáo để lắp đèn chiếu sáng, do không quan sát nên để giàn giáo bị vướng vào đường dây điện cao thế 350KV khiến dòng điện phóng trúng cả 2 người.

Hậu quả một bảo vệ tử vong ngay tại chỗ, một người khác được các công nhân làm viêc tại các nhà máy xung quanh khu công nghiệp sơ cứu và đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: báo VietnamNet)

Theo báo Thanh niên, ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng công an huyện Duy Tiên đã có mặt phong tỏa hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Được biết, nạn nhân tử vong là ông Kiều Quốc Q. (51 tuổi, trú tại thôn Nhì, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên).

Người nhà nạn nhân cũng cho biết, ông Quân chỉ là nhân viên bảo vệ và không có nghiệp vụ về điện, nhưng lại được giao đi lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Bộ luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Bộ luật Lao Động năm 2012)

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Duy Ngọc

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/lap-den-chieu-sang-bi-dien-phong-trung-mot-nguoi-tu-vong-mot-nguoi-nguy-kich-a190488.html