Lắp đặt trạm cân tại các điểm mỏ: Chưa hiệu quả do thiếu đồng bộ

Thời điểm này, các mỏ khoáng sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cơ bản đã lắp đặt trạm cân. Tuy nhiên, do hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu tại các trạm và phần mềm quản lý tại cơ quan chuyên môn chưa được xây dựng đồng bộ, một số trạm lắp chưa đúng vị trí... nên không phát huy được hiệu quả quản lý.

32 mỏ đã có trạm cân

Thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản về lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera, đến hết năm 2022, toàn tỉnh mới có 9 điểm mỏ lắp đặt được trạm cân. Nguyên nhân do chi phí lắp đặt lớn, việc xử lý đối với các trường hợp chưa lắp còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản chưa mặn mà, viện lý do để lùi thời gian lắp trạm cân.

Trạm cân của Công ty TNHH Quốc Kỳ lắp đặt được vài năm, giờ đã xuống cấp, vị trí không còn phù hợp.

Trạm cân của Công ty TNHH Quốc Kỳ lắp đặt được vài năm, giờ đã xuống cấp, vị trí không còn phù hợp.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc, xử lý nghiêm các điểm mỏ không chấp hành quy định này. Nhờ đó, tiến độ lắp đặt trạm cân được các đơn vị thực hiện nghiêm túc hơn.

Thống kê của Sở TN&MT, đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 51 điểm mỏ được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát. Đến nay, toàn bộ 51/51 điểm mỏ đã lắp đặt camera giám sát và 32/51 mỏ đã lắp đặt trạm cân, tăng 23 trạm so năm 2022.

Thống kê của Sở TN&MT, đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 51 điểm mỏ được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (trong đó 3 mỏ được Bộ TN&MT cấp giấp phép khai thác) thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát (trừ các mỏ khoáng sản cát, sỏi lòng sông).

Trong số này, có 21 mỏ đang hoạt động khai thác, 25 mỏ đang dừng hoạt động khai thác và 5 mỏ chưa hoạt động. Đến nay, toàn bộ 51 điểm mỏ đã lắp đặt camera giám sát và 32/51 mỏ đã lắp đặt trạm cân, tăng 23 trạm so năm 2022. Các mỏ còn lại (19 mỏ) chưa lắp trạm cân do chưa hoạt động khai thác hoặc đang dừng hoạt động.

Chưa quản lý được sản lượng khoáng sản

Việc quy định các điểm mỏ khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông. Cùng đó, giúp DN, cơ quan nhà nước có thể quản lý chặt chẽ được sản lượng khoáng sản và tải trọng xe khi rời mỏ. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác qua hoạt động tại các trạm cân còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Ngô Trí Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT), nguyên nhân do hệ thống kết nối thông tin dữ liệu từ các trạm cân về trung tâm giám sát thuộc Sở TN&MT chưa đồng bộ, phần mềm tại trung tâm giám sát của Sở chưa kết nối được với các trạm cân, nên chưa thể truyền dữ liệu từ các trạm cân về trung tâm.

Mặt khác, phần lớn các DN lắp đặt trạm cân chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị phù hợp để lưu trữ thông tin, dữ liệu liên quan đến sản lượng khoáng sản khai thác hằng ngày. Một số trạm cân, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, vị trí lắp đặt chưa phù hợp như: Trạm cân tại các mỏ than Đông Nam Chũ, xã Nam Dương (Lục Ngạn); Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lục Giang Sơn, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn); Công ty TNHH Quốc Kỳ (Yên Dũng).

Ông Lương Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Kỳ cho hay, trạm cân của DN được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, mới đưa vào hoạt động vài năm nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp. Bộ nhớ của trạm có dung lượng lưu trữ nhỏ, chỉ được vài ngày; đường truyền kết nối với Sở TN&MT chưa có... nên hiệu quả giám sát không cao. Ngoài ra, vị trí lắp đặt trạm cân tại điểm mỏ này hiện không còn phù hợp (nằm ở phía trong khu vực đang khai thác). Muốn kiểm tra số lượng khoáng sản trên xe, các phương tiện phải đi vòng về phía sau mới lên trạm cân.

Thực tế cho thấy, các trạm cân được lắp đặt bước đầu đã giúp DN kiểm soát chặt chẽ hơn khối lượng khoáng sản, trọng tải từng chuyến xe trước khi rời mỏ. Tuy nhiên, do hệ thống phần mềm, kết nối chưa liên thông đồng bộ, nên việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản qua hệ thống các trạm cân của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương gặp khó khăn.

Với mục tiêu thông qua các trạm cân, nâng cao hiệu quả quản lý, không để thất thoát tài nguyên khoáng sản, đưa hoạt động này vào nền nếp, gắn với bảo vệ môi trường, ngày 27/3/2023, UBND tỉnh đã có văn bản đốn đốc thực hiện nghiêm việc lắp đặt trạm cân, thiết bị giám sát hành trình và kết nối thông tin, dữ liệu về sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các điểm mỏ được cấp phép.

Ngày 11/5/2023, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND các huyện, TP xây dựng đề cương dự toán kinh phí nâng cấp phần mềm quản lý, kết nối trạm cân, camera giám sát tại các bãi chứa, kho chứa khoáng sản của DN được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, yêu cầu Sở TN&MT hướng dẫn các DN được cấp phép khai thác khoáng sản, đầu tư, mua sắm các phương tiện phù hợp để lưu trữ thông tin, dữ liệu liên quan đến sản lượng khai thác khoáng sản tại mỏ hằng ngày và truyền dữ liệu về trung tâm giám sát tại Sở TN&MT...

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, Sở TN&MT đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn, đồng thời chỉ đạo bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm các DN hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh triển khai lắp đặt trạm cân và camera giám sát theo quy định, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Gần đây nhất, ngày 14/11, Sở tiếp tục có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, TP tăng cường kiểm tra, xử lý việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát trong hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn quản lý; yêu cầu các DN khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân và lắp đặt thiết bị lưu trữ dữ liệu thông tin trạm cân khi khai thác, đáp ứng yêu cầu thực tế; cam kết bảo đảm các phương tiện vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ phải đi qua trạm cân theo quy định...

Hiện Sở TN&MT đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để nâng cấp phần mềm, đường truyền kết nối dữ liệu giữa trung tâm giám sát với các trạm cân. Theo kế hoạch, đến trước ngày 31/12/2024, đơn vị phải hoàn thành phần mềm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả việc giám sát, quản lý chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác trước khi ra khỏi mỏ. Qua đó, góp phần hạn chế vi phạm, tiêu cực, ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/416614/lap-dat-tram-can-tai-cac-diem-mo-chua-hieu-qua-do-thieu-dong-bo.html