Lao động thất nghiệp thờ ơ với học nghề

Ngoài được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động (NLĐ) khi mất việc làm còn được hỗ trợ học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, lao động thất nghiệp đa số chỉ làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà chưa quan tâm đến học nghề chuyển đổi công việc dù các chế độ hỗ trợ cho lao động học nghề đã được điều chỉnh.

Một trong 4 quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHTN là được hỗ trợ đào tạo nghề khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động. Hỗ trợ học nghề BHTN được xác định là một trong những biện pháp giúp NLĐ được đào tạo nghề, tạo cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.

Theo đó, NLĐ tham gia BHTN sẽ được hỗ trợ khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Với khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Các ngành nghề dành cho NLĐ đăng ký tham gia học rất đa dạng, phù hợp thị trường lao động như: Kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật pha chế đồ uống; tin học văn phòng; may công nghiệp; lái xe; làm bánh…

Mặc dù học nghề có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi công việc, sớm quay lại thị trường lao động, tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết lao động chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2023, cả nước có hơn 1,1 triệu người đến các trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 1,06 triệu người, tăng 9,5%. Như vậy, số tham gia học nghề là không đáng kể.

Lý giải cho thực trạng trên, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, đa số không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới, trong khi mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế.

Hơn nữa, phần chính sách của BHTN chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác nên NLĐ gặp khó khăn khi bản thân phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề.

“Tuy vậy, NLĐ không nên vì lợi ích trước mắt mà chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung - cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay thì việc lựa chọn học những ngành nghề phù hợp nhu cầu của thị trường sẽ là "phao cứu sinh" cho NLĐ.

Bên cạnh đó, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường việc làm thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề, kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề, xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, thời gian qua, chính sách BHTN đã khẳng định được vai trò của mình trong việc hỗ trợ đối với người thất nghiệp thông qua các chính sách: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả thực hiện chính sách BHTN còn một số vấn đề cần khắc phục, trong đó cần chú ý đến đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho NLĐ bị thất nghiệp. Tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách BHTN thời gian tới.

Tại hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ NLĐ được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (như chi phí ăn ở, đi lại…) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề, nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, khi xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho NLĐ trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bảo Châu

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/lao-dong-that-nghiep-tho-o-voi-hoc-nghe-20240402093015532.htm