Lao động nước ngoài giúp giải bài toán nhân lực của Malaysia

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều lĩnh vực tại Malaysia phải dựa vào lao động nước ngoài để thực hiện, nhất là 'công việc 3D' (công việc khó khăn, nguy hiểm và bẩn thỉu).

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Saifuddin Nasution Ismail cho biết, mức trần dự kiến về lượng lao động nước ngoài được tuyển dụng do Bộ Kinh tế đặt ra sẽ không vượt quá 15% lực lượng lao động trong nước. Theo ước tính, chỉ tiêu này sẽ đạt được vào ngày 31/12 năm nay.

Phát biểu trước báo giới sau khi tham dự cuộc họp Ủy ban chung với Bộ trưởng Nguồn nhân lực, Steven Sim Chee Keong, Bộ trưởng Nội vụ Saifuddin, cho biết hiện tại, 17,1 triệu trong số 34 triệu người Malaysia được coi là một phần của lực lượng lao động.

Mức trần 15% do Bộ Kinh tế đặt ra có nghĩa là tổng số lao động nước ngoài sẽ không được vượt quá giới hạn này. Theo ông, ở thời điểm hiện tại, lực lượng lao động nước ngoài bao gồm số lượng lao động nước ngoài hiện có, những người mà chủ sử dụng lao động đã được phê duyệt hạn ngạch và những người đã đăng ký theo Chương trình điều chỉnh lại lực lượng lao động. Do vậy, trong thời gian tới, việc cấm nhập cảnh đối với người lao động nước ngoài sẽ được duy trì.

Ông Saifuddin Nasution cũng cho biết cuộc họp hôm nay lần đầu tiên đã nhất trí cho phép tuyển dụng thuyền trưởng nước ngoài trên 60 tuổi bắt đầu từ năm nay. Quyết định này được đưa ra dựa trên kinh nghiệm của người được tuyển dụng và lợi nhuận của ngành đánh bắt cá đóng góp cho nhà nước 16,5 tỷ ringgit (3,48 tỷ USD) mỗi năm. Theo đó, thời gian tuyển dụng đối với thuyền trưởng trên 60 tuổi tối đa không quá 36 tháng vì giấy phép làm việc tạm thời được gia hạn sáu tháng một lần. Vào mùa mưa, thuyền trưởng không ra khơi. Hiện tại số thuyền trưởng được cấp phép hoạt động là 332 người và chỉ giới hạn trong ba năm. Theo số liệu của Cục Nhập cư, tính đến ngày 15/3, đã có hơn 2,1 triệu lao động nước ngoài được tuyển dụng đến Malaysia làm việc. Cuối năm 2023, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia ước tính nước này cần khoảng 15.000 lao động nước ngoài cho các lĩnh vực dệt may, thợ kim hoàn và cắt tóc. Các ngành này đã phải đối mặt với nhiều vấn đề trong vài năm qua sau khi việc tuyển dụng bị đóng băng do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyển dụng, nguồn lao động nước ngoài đang tăng quá mức, buộc Bộ Nguồn nhân lực và Bộ Nội vụ phải có điều chỉnh phù hợp. Nhận xét chung của các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tại có nhiều lĩnh vực tại Malaysia phải dựa vào lao động nước ngoài để thực hiện, nhất là “công việc 3D" (viết tắt của chữ cái tiếng Anh: Khó khăn, Nguy hiểm và Bẩn thỉu). Chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia (MEF) Syed Hussain Syed Husman cho biết, trong khi MEF ủng hộ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định như trồng trọt và xây dựng, Chính phủ nên giải quyết vấn đề phức tạp này ở cấp độ rộng hơn vì nhiều lĩnh vực khác cũng phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Trên thực tế, có nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Theo ông "những công việc phổ thông trong các hoạt động sản xuất và nhà hàng không hấp dẫn người dân địa phương mặc dù mức lương khá tốt. Điều này chủ yếu liên quan đến đến địa vị xã hội và môi trường làm việc của những loại công việc này". Mức lương tối thiểu cho một lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Malaysia là 1.500 ringgit.

Hằng Linh (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lao-dong-nuoc-ngoai-giup-giai-bai-toan-nhan-luc-cua-malaysia/333773.html