Lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Một trong những lợi thế thu hút vốn FDI vào Việt Nam đó là chi phí sản xuất thấp với nhân công giá rẻ. Song theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, lao động rẻ không còn là sự hấp dẫn để thu hút đầu tư

như trước đây, nhất là trong thời kỳ hội nhập khi nó đang dần bộc lộ điểm yếu đó là sự thiếu bền vững.

Năng suất và chất lượng lao động mới là chía khóa cho sự phát triển, chúng ta không thể mãi tự hào “lao động giá rẻ” để tự biến mình thành xưởng gia công giá rẻ của thế giới. (Ảnh minh họa)

Công cuộc tìm kiếm các điểm chế tạo chi phí thấp đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm nhứng thị trường có nguồn lao động dồi dào , giá rẻ. Giờ đây, các nhà đầu tư nước ngoài lại luôn mong muốn kiếm tìm những địa điểm có thể giúp họ tiếp cận với nhân tài và sáng tạo.

Mức lương ngành dệt may hiện tại từ 402 – 604 USD, tương đương từ 8,4 – 12 triệu đồng mỗi tháng – tăng 12% so với năm 2015. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với Malaysia (725 – 1.019 USD/tháng) và bằng một phần tư so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore. Tuy nhiên, con số này lại cao hơn nhiều so với chi phí nhân công của Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh hay Sri Lanka. Các nước này sẽ cạnh tranh về chi phí nhân công và sẽ ngày càng làm suy giảm thị phần chế tạo chi phí thấp của Việt Nam.

Trong bối cảnh gia nhập TPP, theo các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh trong lao động giá rẻ nhưng cần xem xét chuyển đổi vì khi gia nhập TPP, có thể thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng, dẫn đến chi phí lao động tăng và như thế, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các nước khác để tận dụng lao động giá rẻ tại đây.

Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam rất mong muốn khai thác lợi thế về chính sách miễn thuế, lao động đơn giản có kỹ năng, với lương thấp. Tuy nhiên, theo thời gian, các doanh nghiệp này cũng sẽ phải đóng thuế, trả lương cao hơn cho người lao động. kỹ sư công nghệ và quản trị cao cấp Việt Nam rất thiếu.

Biểu đồ năng suất lao động và tiền lương ở các nước ASEAN theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trong các quốc gia của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nguyên nhân được ILO đưa ra là do nước ta chỉ có khoảng gần 20% lao động được đào tạo chuyên môn; đa số không có đủ chất lượng chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Và nếu so sánh năng suất lao động và tiền công tại nước ta và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ thấy, lao động giá rẻ không còn là một lợi thế của nước ta.

Mới đây, ILO cũng cho biết, trong hai thập kỷ tới, sẽ có khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc làm vì robot, đặc biệt là ngành may mặc và sản xuất ô tô.

Nếu không cải thiện được tình trạng trên, Việt Nam muốn thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng tốt hơn thì cũng khó có khả năng thu được nhiều lợi ích với lực lượng lao động không tinh nhuệ. Nhiều chuyên gia cảnh báo, thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi các quốc gia láng giềng đang sử dụng nhiều biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các “ông lớn” ngành thời trang trên thế giới.

nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Việt Nam tận dụng lợi thế lao động giá rẻ khi bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam sẽ không duy trì lợi thế so sánh này mà sẽ dần dần cải thiện lao động thành nguồn lao động tay nghề cao hơn. Vì vậy, Việt Nam không chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ để thu hút đầu tư mà trong kế hoạch phát triển thời gian tới, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Do vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành dệt may cần thay đổi tư duy để có thể cạnh tranh với các quốc gia khu vực lân cận. Thay vì lợi thế sử dụng lao động giá rẻ như trước đây, doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới công nghệ, quản trị và tuyển chọn nhân tài. Người lao động trong nước cũng cần học hỏi nâng cao trình độ, khẳng định và chứng tỏ bản thân trong thời điểm trình độ và sự sáng tạo luôn được hoan nghênh.

Các doanh nghiệp vào Việt Nam sẽ đưa công nghệ sản xuất hiện đại, lao động chất lượng cao, trong bối cảnh này, năng suất và trình độ lao động mới chính là chìa khóa. Muốn chủ động trong cuộc chơi hội nhập, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. Do vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tiệm cận khu vực và thế giới mới là nhu cầu cần kíp để các nhà đầu tư nhìn nhận Việt Nam là một thị trường để phát triển chứ không chỉ là một xưởng gia công giá rẻ.

T.Tân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lao-dong-gia-re-khong-con-la-loi-the/