Lào Cai: Bàn các giải pháp phát triển dược liệu bền vững

Chiều 7/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển dược liệu bền vững tỉnh Lào Cai.

Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Cục Quản lý Y dược cổ truyền và Viện Dược liệu (Bộ Y tế); lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Trong đó, 78 loài có tiềm năng khai thác, 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn và nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như Sâm trên dãy núi Hoàng Liên, cây Thất diệp nhất chi hoa, Tam Thất hoàng… Bên cạnh đó, tiềm năng đất rừng của Lào Cai rất lớn với nhiều cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như: Sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam, Sa nhân tím… Nhiều chủng loại cây dược liệu là cây trồng xen, phù hợp với đất rừng, nên việc phát triển cây dược liệu còn nâng cao giá trị đất rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai đã quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đang từng bước khôi phục và phát triển các loài cây dược liệu có thế mạnh của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 2.264 ha cây dược liệu, đạt 119% so với mục tiêu của quy hoạch đến năm 2020 (1.900 ha) và ước thực hiện hết năm 2020 là 2.300 ha, bằng 121% so với kế hoạch, tăng 2,5 lần so với diện tích năm 2016 (930 ha). Giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016, cá biệt một số loại dược liệu đạt trên 600 triệu đồng/ha. Hiện, có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm dược liệu, đạt trên 6.000 tấn sản phẩm các loại mỗi năm.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các chuyên gia về dược liệu, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất dược liệu đều khẳng định, tỉnh Lào Cai quan tâm dành nguồn lực đầu tư và có định hướng phát triển dược liệu rõ ràng. Đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai phát triển dược liệu và đề xuất một số giải pháp: Quy hoạch chi tiết vùng, chủng loại dược liệu trồng; nghiên cứu trồng một số cây dược liệu đặc trưng của Lào Cai để cạnh tranh trên thị trường; có chính sách đặc thù để kích cầu phát triển đưa Lào Cai thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu; nghiên cứu các hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực dược liệu để tạo sản phẩm làm đẹp, bồi bổ sức khỏe; đầu tư cho nghiên cứu xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Đại biểu dự hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tỉnh Lào Cai đã sớm quy hoạch vùng trồng và ban hành nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia trồng cây dược liệu. Đến nay, Lào Cai có 4 cây dược liệu được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”, 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh, nhiều sản phẩm đặc trưng của Lào Cai phục vụ khách du lịch. Sản phẩm dược liệu của Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch, xác định chi tiết vùng trồng và xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái; phát triển mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh dược liệu hiệu quả, thông qua nhân rộng mô hình trồng gắn với chế biến; xây dựng các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; thu hút doanh nghiệp dược liệu đầu tư phát triển sản phẩm, sử dựng nguyên liệu bản địa. Tham mưu đề xuất một số cơ chế cho phát triển dược liệu, y học cổ truyền trên địa bàn; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm dược liệu của tỉnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm dược liệu của Lào Cai. Đề nghị Bộ Y tế xây dựng các quy định tiêu chuẩn dược liệu trong phục vụ khám, chữa bệnh y dược cổ truyền; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương trong xác định dược tính của các loài dược liệu; đưa một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu của Lào Cai vào danh mục quốc gia, làm căn cứ để đưa vào các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định các điều kiện để đưa dược liệu, vị thuốc, thuốc cổ truyền truyền thống được thu hái, bào chế, sản xuất tại Lào Cai vào thanh toán bảo hiểm y tế...

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/lao-cai-ban-cac-giai-phap-phat-trien-duoc-lieu-ben-vung-z3n20200807195532086.htm