Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nói gì về việc đặt tên xã sau sáp nhập?

Trước vấn đề dư luận đang rất quan tâm việc đặt tên xã sau sáp nhập ở huyện Quỳnh Lưu, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Phó trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Quỳnh Lưu về nội dung liên quan.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳnh Lưu tìm hiểu ý kiến từ chi bộ xóm ở xã Tiến Thủy về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa

Huyện Quỳnh Lưu có 17 đơn vị hành chính được xây dựng phương án sắp xếp

Phóng viên: Thưa ông! Huyện Quỳnh Lưu là 1 trong 13 địa phương trong tỉnh thực hiện sắp xếp đơn vị cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 với số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp lớn của tỉnh. Vậy, thời gian qua, công tác này đã được huyện triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Dinh: Toàn huyện Quỳnh Lưu có 14 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, hoặc đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định, thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025. Tính các yếu tố đơn vị hành chính cấp xã liền kề, huyện có thêm 3 đơn vị (2 xã và thị trấn) được đưa vào phương án sắp xếp với tổng 17 đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thành 8 xã, giảm 9 xã.

14 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp ở Quỳnh Lưu: Quỳnh Hồng, Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hoa, Quỳnh Lương, Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng, Quỳnh Minh, Quỳnh Bá, Sơn Hải và Tiến Thủy.

3 đơn vị liền kề được xây dựng phương án sắp xếp: Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận và thị trấn Cầu Giát.

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cho nên công tác này được các cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Lưu tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng chỉ đạo và lộ trình của Trung ương và tỉnh. Huyện và các cơ sở thực hiện sắp xếp đều thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ công tác.

Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Quỳnh Lưu họp thảo luận, thống nhất các nội dung công việc liên quan. Ảnh: CSCC

Huyện ban hành kế hoạch sắp xếp, đưa ra lộ trình, mốc thời gian, cùng với xác định rõ nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; đồng thời ban hành kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện sắp xếp.

Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện theo quy trình bài bản, chặt chẽ; lấy ý kiến qua nhiều vòng trong Ban chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy và Sở Nội vụ - cơ quan thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh; lấy ý kiến cấp ủy các địa phương thực hiện sáp nhập. Quá trình lấy ý kiến ban chấp hành đảng bộ các địa phương thực hiện sáp nhập về dự thảo phương án sắp xếp cơ bản tạo được sự đồng thuận, đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ và huyện Quỳnh Lưu kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến vào phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: CSCC

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và phản biện

Phóng viên: Tuy nhiên, thưa ông, dự kiến đặt tên ở một số xã của huyện Quỳnh Lưu đang gây phản ứng trái chiều trong dư luận vài ngày qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Dinh: Việc đề xuất điều chỉnh đặt tên xã mới sau sáp nhập trên cơ sở ý kiến đề xuất của các xã, huyện đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện trực tiếp và gián tiếp, nhất là trên không gian mạng.

Quan điểm của Ban chỉ đạo của huyện luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây là một “kênh” quan trọng, làm cơ sở để huyện tiếp tục xem xét, cân nhắc, lựa chọn đặt tên cho các xã sau sáp nhập. Bởi hiện nay, phương án đặt tên đối với xã sau sáp nhập chưa phải là phương án cuối cùng, mà đây chỉ là dự kiến để đưa ra lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc lấy tên xã, dự kiến tổ chức vào ngày 15/5/2024 tới.

Công chức xã Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu) giải quyết công việc cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Theo quy định, việc lấy ý kiến cử tri theo hình thức phát phiếu và phải đảm bảo trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì mới triển khai các công việc tiếp theo, đó là trình HĐND các cấp thông qua, trước khi trình Bộ Nội vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án để thực hiện.

Huy động hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, tạo đồng thuận của nhân dân

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn việc chỉ đạo và phương án tiếp theo của huyện liên quan đến việc đặt tên ở các xã sau sáp nhập?

Ông Nguyễn Xuân Dinh: Điều cần khẳng định, việc đặt tên xã mới sau sáp nhập, phương án lựa chọn ban đầu của huyện là theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 35, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, đó là phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính sau sáp nhập nhằm tạo thuận lợi nhất sau sáp nhập, nhất là giảm bớt áp lực cho người dân trong chỉnh sửa các giấy tờ.

Bản đồ các đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Quỳnh Lưu.

Cụ thể, phương án ban đầu, xã Quỳnh Hồng sáp nhập vào thị trấn, lấy tên thị trấn Cầu Giát; Quỳnh Long sáp nhập Quỳnh Thuận, lấy tên Quỳnh Thuận; Sơn Hải sáp nhập Quỳnh Thọ, lấy tên Sơn Hải; Tiến Thủy sáp nhập Quỳnh Nghĩa, lấy tên Quỳnh Nghĩa; Quỳnh Minh sáp nhập Quỳnh Lương, lấy tên Quỳnh Phú (tên gọi lịch sử trước đây); Quỳnh Mỹ sáp nhập Quỳnh Hoa, lấy tên Quỳnh Hoa; Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc sáp nhập, lấy tên Liên Hóa; Quỳnh Hậu sáp nhập Quỳnh Đôi, lấy tên Quỳnh Đôi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai lấy ý kiến cán bộ, đảng viên ở các xã thực hiện sáp nhập, đã nảy sinh một số ý kiến chưa đồng thuận ở một số xã sáp nhập không được giữ lại tên hiện tại sau sáp nhập.

Với mục tiêu, đặt tên mới phải đạt mục tiêu đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao của đại đa số cử tri theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải “tôn trọng ý kiến của đa số cử tri”; nên huyện tiếp tục cho phép các địa phương xem xét, đề xuất phương án điều chỉnh, thay thế tên xã sau sáp nhập khi không đồng thuận theo phương án ban đầu.

Theo đó, tên mới sau sáp nhập ở một số xã được đề xuất trên cơ sở ghép tên 2 xã hiện tại với nhau. Cụ thể: Quỳnh Đôi - Quỳnh Hậu, lấy tên Đôi Hậu; Quỳnh Mỹ - Quỳnh Hoa, lấy tên Hoa Mỹ; Quỳnh Lương - Quỳnh Minh, lấy tên Minh Lương; Sơn Hải - Quỳnh Thọ, lấy tên Hải Thọ; Quỳnh Long - Quỳnh Thuận, lấy tên Thuận Long…Trong “5 cặp” dự kiến lấy tên 2 xã hiện tại ghép lại, hiện có 3 tên gọi của “3 cặp”: Đôi Hậu, Hoa Mỹ, Hải Thọ, đang có nhiều ý kiến trái chiều, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Hướng chỉ đạo của huyện, đối với tên xã được đại đa số cử tri và nhân dân đồng tình thì giữ nguyên để tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri bằng phiếu theo quy định để trình HĐND các cấp thông qua, trước khi trình Bộ Nội vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án để thực hiện.

Đối với những đơn vị, tên gọi chưa có sự thống nhất cao, còn có nhiều ý kiến trái chiều, Ban chỉ đạo huyện tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo các xã thực hiện sáp nhập xem xét, lựa chọn phương án tốt nhất, phù hợp nhất; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với mong muốn cử tri, nhân dân ở các xã thực hiện sáp nhập thấu hiểu, đoàn kết, đồng thuận cao về phương án sáp nhập, trong đó có việc đặt tên xã sau sáp nhập trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/lanh-dao-huyen-quynh-luu-noi-gi-ve-viec-dat-ten-xa-sau-sap-nhap-post287699.html