Lãnh đạo công nghệ châu Á chạy đua ứng phó khủng hoảng Silicon Valley Bank

Giới lãnh đạo doanh nghiệp và quỹ đầu tư công nghệ châu Á đang chạy đua đánh giá và ứng phó tác động tiềm ẩn từ cú sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB).

Nhiều startup và quỹ đầu tư công nghệ ở châu Á đang lo lắng về khoản tiền gửi cho kịp rút ở ngân hàng Silicon Valley Bank. Ảnh: New Business Age

Nhiều startup và quỹ đầu tư công nghệ ở châu Á đang lo lắng về khoản tiền gửi cho kịp rút ở ngân hàng Silicon Valley Bank. Ảnh: New Business Age

SVB, nhà băng chuyên phục vụ công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ và giới đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon ở bang California, nhanh chóng sụp đổ sau khi nỗ lực huy động thêm vốn thất bại. Quyết định tiếp quản SVB của Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cuối tuần qua không chỉ gây sốc cho cộng đồng khởi nghiệp và các quỹ đầu tư ở Mỹ mà còn ở châu Á. SVB đã tăng gấp bốn lần quy mô trong vòng 5 năm qua và được định giá hơn 40 tỉ đô la vào năm ngoái.

Trong những ngày qua, những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ ở châu Á đã theo dõi chặt chẽ tin tức về SVB. Họ choáng váng trước một cuộc khủng hoảng nhấn chìm một ngân hàng có tuổi đời hàng chục năm, từng nắm giữ 200 tỉ đô la tài sản. Các nhà đầu tư lớn và quỹ đầu tư quốc gia trong khu vực đã vội vã kiểm tra mức độ rủi ro của danh mục đầu tư trong biến cố SVB.

Các quỹ đầu tư lớn nhất châu Á gồm Sequoia Capital China, Temasek Holdings, ZhenFund và Yunfeng Capital đã liên hệ với startup trong danh mục đầu tư để đánh giá mức độ tiếp xúc với SVB. Đại diện của Sequoia Capital China không thể bình luận ngay lập tức. Trong khi Temasek khẳng định không tiếp xúc trực tiếp với SVB.

Quỹ Yunfeng Capital xác nhận đã yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra nội bộ nhanh chóng về tiếp xúc với SVB. Quỹ cảnh báo các startup nằm trong danh mục đầu tư của quỹ phải nhanh chóng hành động để tránh rủi ro.

“Không nên đánh giá thấp tác động của biến cố SVB đối với ngành công nghệ”, nhóm nhà phân tích do Liu Zhengning dẫn đầu tại Tổng Công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) cho biết trong một báo cáo. Họ nhấn mạnh tiền gửi ở ngân hàng SVB rất quan trọng đối với startup công nghệ. Những công ty này thường cần rất nhiều tiền mặt để trang trải các khoản chi lớn bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như lương nhân viên.

“Nếu những khoản tiền gửi này cuối cùng bị suy giảm trong quá trình SVB phá sản hoặc tái cơ cấu, một số công ty công nghệ có thể rơi vào tình trạng căng thẳng dòng tiền. Không nên loại trừ rủi ro SVB phá sản”, các nhà phân tích của CICC cảnh báo.

Khủng hoảng của SVB gây lo ngại lớn ở Trung Quốc. SPD Silicon Valley Bank, liên doanh của SVB ở Trung Quốc, đã tích cực cho vay đối với startup mới thành lập và quỹ đầu tư không thể vay từ các ngân hàng truyền thống. Liên doanh này liên tục phát đi các thông điệp nhằm trấn an khách hàng và các công ty trong danh mục đầu tư, nhưng mức độ thiệt hại hiện vẫn chưa rõ ràng.

Hôm 10-3, các nhà tài chính và doanh nhân ngồi chật kín các phòng họp của khách sạn Shangri-La ở Singapore trong sự kiện Diễn đàn Wharton toàn cầu. Biến cố SVB trở thành chủ đề chính của các cuộc trò chuyện tại diễn đàn.

“Tôi không biết có bao nhiêu người trong số các bạn đã dành cả đêm qua để đọc tin về ngân hàng SVB và xem xét những tác động liên quan?” Alp Ercil, nhà sáng lập quỹ quản lý tài sản Asia Research & Capital Management (Hồng Kông), đã đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ngay lập tức, một biển người giơ tay để trả lời câu hỏi của ông.

Ercil nhấn mạnh khủng hoảng SWB cung cấp một “case study” (nghiên cứu tình huống) lớn về vấn đề quản trị.

Tại một hội thảo ở Mumbai, trung tâm công nghệ của Ấn Độ, giới sáng lập startup và nhà đầu tư cũng chủ yếu trao đổi thông tin về việc startup non trẻ nào sẽ sụp đổ đầu tiên do tác động của cuộc khủng hoảng SVB.

Tại Bắc Kinh, nhóm lãnh đạo của một công ty đầu tư, có vốn góp ở Công ty công nghệ ByteDance, dán mắt vào màn hình để theo dõi giá cổ phiếu của SVB và các tiêu đề tin tức vào tối thứ 9-3, trước khi quyết định rút tiền khỏi SVB ngay trong đêm.

Nhóm nhà đầu tư mạo hiểm của startup cho thuê nơi lưu trú Xiaozhu (Trung Quốc) gọi điện khuyến cáo lãnh đạo của công ty cấp tốc rút tiền gửi ở SVB và đã thành công.

Nhưng các startup khác ở châu Á không may mắn như vậy. Một nhà sáng lập startup người Ấn Độ tiết lộ với Bloomberg rằng ông không rút kịp tiền trước khi SVB bị giới trách Mỹ đóng cửa và tiếp và tiếp quản. Ba nhà sáng lập và một nhà đầu tư khởi nghiệp ở châu Á cho biết họ không ngủ trong 48 giờ kể từ hôm 9-3 khi tin tức xấu về SVB liên tục xuất hiện. Tác động trực tiếp đến châu Á có thể ở mức hạn chế do SVB tập trung vào Thung lũng Silicon. Nhưng cú sụp đổ của SVB sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng phục vụ cộng đồng khởi nghiệp.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lanh-dao-cong-nghe-chau-a-chay-dua-ung-pho-khung-hoang-silicon-valley-bank/