Làng thanh niên hôm nay

ĐBP - Chúng tôi trở lại Làng thanh niên lập nghiệp Ẳng Nưa những ngày cuối tháng 10. Một thung lũng màu xanh bạt ngàn, xen lẫn màu đỏ rực của những quả cà phê đang vào mùa chín rộ; người người tấp nập ra vào thu hái, nhộn nhịp khắp các cánh đồng. Làng thanh niên hôm nay đường nhựa, đường bê tông trải dài đến tận ngõ những ngôi nhà sàn, nhà gỗ được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống của người dân đã đủ đầy, khang trang hơn xưa.

Người dân Làng thanh niên hôm nay đã có cuộc sống khang trang.

Làng thanh niên thuộc địa phận bản Củ và bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. Theo giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, chúng tôi tìm đến nhà ông Lầu A Lử, một trong những hộ đầu tiên đến lập nghiệp ở Làng thanh niên từ năm 1998. Giữa bãi cà phê là ngôi nhà gỗ ba gian khang trang với hệ thống chuồng trại chăn nuôi, ao cá được xây dựng quy mô, khoa học. Mặc dù đang là mùa thu hoạch cà phê rất bận, gia đình phải thuê hơn chục lao động thu hái, nhưng chúng tôi vẫn được ông Lử dành thời gian đón tiếp trò chuyện khá lâu.

Rót chén trà mời khách, ông Lử tâm sự: Hơn 20 năm trước, hưởng ứng vận động của Tỉnh đoàn, những đoàn viên thanh niên chúng tôi ở khu vực đèo Pha Đin, thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo về lập nghiệp tại khu vực C2 (nay thuộc bản Củ, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng). Ngày ấy nơi đây chỉ là những bãi đất trống, đồi cỏ tranh, lau lách rậm rạp. Hàng chục gia đình thanh niên đã phát cỏ dựng lán lập Làng thanh niên. 12 hộ đầu tiên chuyển đến, mỗi gia đình được cấp hơn 2ha đất; đồng thời, được Tỉnh đoàn kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn ưu đãi, thông qua việc đầu tư trực tiếp giống cây cà phê, phân bón và hỗ trợ tiền làm lán trại ban đầu. Gia đình tôi được hỗ trợ hơn 2ha đất, cùng với cây giống, phân bón và tiền làm lán. Cuộc sống ở nơi mới thiếu thốn đủ thứ, lại xa bản, xa làng, xa anh em họ hàng nên khó khăn chồng chất khó khăn. Cũng như một số hộ khác, thực hiện lấy ngắn nuôi dài, năm đầu tiên gia đình tôi dành một nửa diện tích trồng cà phê, nửa còn lại trồng ngô, lúa nương để đảm bảo cho sinh hoạt, chăn nuôi ban đầu. Vì quá vất vả, sau vụ ngô đầu tiên đã có 7 gia đình bỏ về nơi ở cũ, chỉ còn 5 hộ vẫn bám trụ lại đây. Trải qua bao khó khăn, sau 3 năm cây cà phê bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, có thu nhập cải thiện cuộc sống, có tiền tái đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà và mở rộng diện tích sản xuất. Nhờ kết hợp chăn nuôi với phát triển cà phê mà cuộc sống gia đình ngày càng khá giả. Như 2 năm gần đây, giá cà phê ổn định từ 13.000 - 15.000 đồng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.

Ông Mùa A Tòng, một trong những hộ tiêu biểu làm kinh tế của Làng thanh niên nói: Gọi Làng thanh niên vì ngày xưa những người đến đây lập nghiệp đều còn trẻ, chứ bây giờ ai nấy tóc đều đã điểm bạc cả rồi. Như gia đình tôi đã sang đến thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh sống ở mảnh đất này. Chúng tôi xác định gắn bó và coi đây là quê hương thứ 2. Vượt qua những ngày đầu, khó khăn dần vơi đi, một số hộ bỏ đi giai đoạn đầu đã quay lại; đồng thời, một số hộ tách khẩu vì con cái lập gia đình riêng. Đến nay, Làng thanh niên đã tăng lên 25 hộ. So với những ngày lập làng thì hôm nay cuộc sống người dân Làng thanh niên đã khá giả gấp bội phần. Có điện thắp sáng, đường nội đồng, đường thôn, xóm được bê tông hóa sạch sẽ, bản cũng đã có nhà văn hóa, sân thể thao khang trang sạch đẹp phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng của người dân; trẻ em được đến trường học tập trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Nói về Làng thanh niên hôm nay, ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa phấn khởi kể: Cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều. 100% hộ có nhà cửa khang trang, có xe máy, ti vi; nhiều hộ còn mua ô tô tải để tự phục vụ vận chuyển cà phê của gia đình. Ngoài trồng cà phê, các hộ còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Trung bình mỗi hộ có khoảng 2,5ha cà phê xen lẫn cây ăn quả (bưởi, nhãn, xoài), 3 - 5 con trâu, bò, trên 50 con gia cầm (gà, vịt). 2 năm gần đây, cà phê được giá, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 50 đến trên 150 triệu đồng/năm. Nhờ kinh tế ổn định nhiều gia đình đã có điều kiện nuôi con cái ăn học trưởng thành, làm việc trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, giáo viên... đóng góp vào sự phát triển chung của xã, huyện. Như gia đình ông Lầu A Mua, Mùa A Tòng, Lầu A Lử...

Làng thanh niên phát triển như ngày hôm nay nhờ công lao to lớn của những thanh niên đã có công lập làng; những người đưa cây cà phê về trồng đầu tiên ở khu vực C2, đã biến những bãi đất trống, những đồi cỏ tranh, lau lách thành vườn cà phê, vườn cây ăn quả trải dài xanh mướt, từ hơn 20ha ban đầu đến nay đã tăng lên gần 100ha.

Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/200694/lang-thanh-nien-hom-nay