Lắng sâu tiếng hát tri ân

Những ngày tháng 7, cả dân tộc cùng hướng về tri ân những người con trung hiếu đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Như nén tâm nhang tưởng nhớ những người có công với đất nước, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Chương trình nghệ thuật 'Vết chân tròn trên cát' với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, hình ảnh những mảng tường đổ, những thân cây cháy trụi gợi lại không gian chiến trường bom đạn ác liệt. Khi ánh sáng bừng lên, khúc ca “Đoàn Vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu) do tốp nam thể hiện vang lên hào sảng như lời kêu gọi thúc giục người chiến sĩ ra chiến trường: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về”.

Giữa bom đạn chiến tranh, các anh, các chị đã lập nhiều chiến công, trở thành niềm tự hào của dân tộc. Các ca khúc trong chương trình đã tôn vinh những người anh hùng chân trần chí thép: “Bế Văn Đàn sống mãi” (Huy Du), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), Nguyễn Thị Chiên “Nữ anh hùng đầu tiên” (Trần Kim Phụng)...

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể chuyện chiến đấu và cất tiếng hát tri ân.

Chiến tranh là gian khổ, là mất mát, hy sinh. Đã có biết bao người con ưu tú nằm lại nơi rừng xanh, núi thẳm. Đất mẹ đã ôm các anh vào lòng để mãi trọn tuổi đôi mươi. Khúc ca “Có những tuổi 20 như thế” (Nguyễn Hồng Sơn) như lời tự sự của người chiến sĩ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc. Các anh ra đi thật nhẹ nhàng: “Tôi nằm đây thanh thản một cuộc đời/ Cỏ cây xanh non mỗi ngày mỗi mới/ Và bầu trời xanh thẳm phủ trên tôi”.

Xúc động hơn khi chương trình có sự tham dự của người lính trở về sau cuộc chiến. Nhạc sĩ Trương Quý Hải từng chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Trong niềm xúc động rưng rưng, ông kể lại câu chuyện về đồng đội của mình. Vào đầu năm 1985, trấn giữ tại mỏm E5 thuộc cao điểm 685, đồng chí Nguyễn Viết Ninh chỉ huy 17 đồng chí chống chọi với đạn pháo địch. Ngày 16/1/1985, anh bị thương vào tay. Khi băng bó, anh tự tin nói mình vẫn ném được lựu đạn. Trận chiến tiếp tục vào ngày 17 với gần chục lượt tấn công, kéo dài sang ngày 18/1 và đến trưa hôm đó, đồng chí Ninh bị thương ở chân, đồng đội định dùng cáng khiêng về phía sau nhưng anh kiên quyết không rời trận địa. Ngày 19/1, Nguyễn Viết Ninh bị thương vào đầu và hy sinh khi trên tay vẫn ghì chặt khẩu AK với dòng chữ khắc trên báng súng: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Thông điệp đó lan truyền khắp mặt trận, trở thành tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ở Vị Xuyên. Từ câu chuyện đó, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết nên ca khúc “Lũy đá bất tử”. Để rồi khi đứng trên sân khấu, ông cất tiếng hát như rút ra từ trái tim mình lời tri ân đồng đội đã nằm lại trên đá: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử, thành lũy đôi mươi bờ cõi non sông đời đời”.

Trong niềm xúc động, tự hào, ca sĩ Tùng Dương thể hiện bài hát “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến)-cũng là chủ đề của chương trình nghệ thuật. Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “Những ngày này, Tùng Dương và quý vị đều cảm thấy bồi hồi và biết ơn những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Bằng tiếng hát, chúng ta ngợi ca, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Để từ đó, mỗi người hãy sống tốt hơn, sống ý nghĩa hơn, cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời”.

Chương trình khép lại với nhạc phẩm “Bài ca không quên” (Phạm Minh Tuấn). Tất cả cùng vỗ nhịp, hòa giọng hát vang. Đó thực sự là tiếng hát tri ân. Thế hệ hôm nay không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước, để Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

Báo Quân đội nhân dân null

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lang-sau-tieng-hat-tri-an-post371332.html