Làng 'săn lá' kiếm... cơm

GD&TĐ - Với người dân Dạ Lê, rừng hào phóng đã đong bát gạo đầy cho dân vùng quê nghèo. Biết bao đời nay người phụ nữ của làng luôn miệt mài theo đuổi nghề "săn" lá để sẻ chia gánh nặng "cơm áo gạo tiền", một lòng thương chồng yêu con.

Đến làng Dạ Lê xã Thủy Phương tỉnh Thừa Thiên Huế vào những ngày hè trời nắng như đổ lửa, từ trong những căn nhà, hay ở những khoảng sân nhỏ nhoi đều được người dân tận dụng chất đầy lá rừng đã đóng sẵn trong bao.

Các con đường thôn cũng dậy hương mùi thuốc quý. Dừng tay phơi cụm lá khô dậy thơm dưới nắng chói chang, bà Nguyễn Thị Cẩm dõi mắt về dãy đồi xanh trước nhà nói như lời tri ân: “Lá thuốc này là áo cơm của nhiều thế hệ dân làng tui đó. Núi đồi hào phóng cho củi đốt, liếp lợp, cây chổi, lá thuốc...".

Thấy khách có vẻ tò mò về từng loại lá thuốc đang bày phơi giữa đường, bà Cẩm kéo vội tay dẫn tôi vào tham quan kho lá thuốc trong tâm trạng niềm nở, vui tươi, bà Cẩm giới thiệu: "Ở đây có vài chục loại lá thuốc bổ như hà thủ ô, bướm bạc, mắm nêm, ngũ gia bì, thạch xương bồ, là vằng.... Mà nhìn mặt con tới đây mệ (bà) đoán chắc là đi mua lá vằng về bổ thai cho vợ phải không. Yên tâm đi, tí mệ tặng ít để uống thử, miễn vợ con uống tốt cho em bé là được rồi".

Chưa kịp nghe câu trả lời "ngượng ngiụ" của tôi bà Cẩm tiếp lời: "Hồi trước hầu như phụ nữ trong làng ni ai cũng đi rừng tìm lá. Trước là để đem về bốc thuốc phụng dưỡng bố mẹ, sau chăm sóc sức khỏe cho chồng con".

Theo lời kể của những người săn lá, ngày Huế mới giải phóng cả làng Dạ Lê không ai uống thuốc Tây, hễ nhà nào có người đau ốm là lên rừng tìm cây thuốc về sắc uống. Lâu dần qua thời gian, nghề hái lá thuốc trở thành nghề "kiếm cơm" cho cả làng.

Nhận thấy nghề hái lá thuốc đem lại kinh tế bền vững cho gia đình, nhiều phụ nữ ở làng Dạ Lê đã chọn nghề này làm kế sinh nhai.

Mỗi dịp nắng lên, các nẻo đường vào làng Dạ Lê yên bình lại dậy mùi lá rừng phơi nồng nàn, ngai ngái khó tả. Cứ thế bắt đầu từ 4-5 giờ sáng một tốp 10 đến 20 chị em lại họp nhau, rồi chưa ra thành nhiều nhóm nhỏ vai mang rựa, liềm, bao tải, đòn gánh đi xe máy đến bìa rừng, cất xe rồi cùng nhau đi “săn” lá.

Hôm nào hái được nhiều, trở ra phải thuê xe tải nhỏ lên tới bìa rừng mới chở về hết được. Cơm đùm gạo bới vì phải đi nhiều ngày, ăn ngủ với cây rừng. Nhiều người còn kéo cả chồng con đi cùng săn lá núi, công việc tuy vất vả, khó khăn nhưng siêng năng cũng có thu nhập khá.

Theo chỉ dẫn của mệ Cẩm chúng tôi tìm vào chợ Dạ Lê để được diện kiến "mỹ nữ " một thời trong giới săn lá bây giờ đã trở thành đại lý thu mua lá thuốc của chị em. Ấn tượng đầu tiên khi gặp bà Lê Thị Sương (73 tuổi ở tổ 1 phường Thủy Phương Thị xã Hương Thủy) là mái tóc ngả máu óng ánh cùng lối kể chuyện như một thầy thuốc Nam thượng hạn.

Thấy khách lạ đến thăm, bà Sương nhanh nhẹn rót bát nước thuốc vàng quánh, rồi giới thiệu rành rõi từng loại lá một: “Đặc sản của quê tui đó, nước lá đông, mắm nêm, uống vào ngủ ngon, hỗ trợ tiêu hóa. Rồi còn chữa viêm loét dạ dày. Nếu con lỡ dùng bia rượu nhiều thì nên uống nước lá ni. Vùng đất này được trời phú cho nhiều loại thuốc quý, dân làng xưa nay uống nước lá rừng quanh năm nên nước da ai cũng đẹp, sức khỏe dồi dào cả con à”.

Say sưa chuyện áo cơm từ lá, nghe hỏi nguồn gốc nghề, bà Sương hồi tưởng: Nghề này có từ lâu lắm rồi, lúc đầu được dăm ba hộ dân đi rừng mang về phơi khô để nấu uống, đun xông, làm chổi quét nhà. Dần dà, nhận ra lá Dạ Lê có hương vị đậm đà rất riêng, giàu vị thuốc nên bà con nơi tìm đến hỏi mua hoặc đặt hàng trước cho người nhà sắp sinh nở.

Đến nay, riêng gia đình bà Sương đã trữ được gần 30 loại lá thuốc trong nhà, khách đến hỏi vua vài cân đến cả tạ cũng có. Bà Sương khẳng định, sở dĩ biết được tất cả các loại cây thuốc quý như ngày hôm nay điều nhờ vào người cha truyền lại, bà kể rằng ngày trước cứ tờ mờ sáng mùa hè, ông cụ thân sinh lại dẫn bà Sương cùng các em đi bộ lên khu vực núi Bình Điền, Bình Thành ( Hương Trà) tìm lá thuốc chữa bệnh cho dân làng, khi tìm thấy bất cứ một cây thuốc quý bố của bà Sương điều ngắt lên và hướng dẫn công dụng cho từng loại lá rất cẩn thận.

Do đó những cây thuốc bổ có từ rừng như hà thủ ô, bướm bạc, ngũ gia bì, thạch xương bồ, đuôi chồn, lá đông, sâm núi, chè vằng, chìu, trường ngấn, mắm nêm, nhân trần, tơ hồng, kinh giới, kim cang, cam thảo đất... bà Sương đều nhận dạng rất nhanh và hoàn toàn không nhầm lẫn.

Mỗi thứ lá mang một công dụng riêng chữa trị các bệnh thông thường như thiếu máu, bạc tóc sớm, mất ngủ, cảm hàn, đau lưng, đau gan, viêm khớp, đại tràng, đau dạ dày, ăn khó tiêu, ngộ độc, huyết áp, đặc biệt là các bệnh phụ khoa của chị em.

"Chỉ cách đây 3 hôm, người của hiệu thuốc An Phát ở TP. Hồ Chí Minh, điện đặt mua 3 tạ để nấu cao làm thuốc dùng chữa cho bệnh nhân. Cũng vào đầu năm nay, một Việt Kiều ở Mỹ về, đặt mua mấy tạ lá vằng tươi, dặn phải rửa sạch, chọn những lá không bị sâu để họ nấu cao gửi qua cho người thân bên Mỹ dùng. Bên đó hiện đại, thiếu chi mấy thứ thuốc tốt nhưng người Việt mình vẫn không bỏ được thói quen dùng thuốc lá chữa bệnh.", bà Sương khoe.

Vang danh lá thuốc Dạ Lê

Nghe danh làng lá thuốc Dạ Lê từ Bắc vào Nam nhiều khách thập phương khi đi ngang qua đây thường tìm đến ngã ba chợ Dạ Lê để tìm mua lá thuốc để làm quà biếu. Nhiều người ngỡ ngàng giá giá thuốc quý ở đây rẻ, tốt chữa được nhiều bệnh.

Giá bán lá thuốc ở Dạ Lê cũng phải chăng (chỉ 30 đến 120 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại thuốc) nên không chỉ những gia đình có điều kiện ở thành phố mà ngay cả người dân ở các vùng nông thôn cũng mua về nấu, uống thay nước trong hàng ngày. Đặc biệt rất nhiều thương lái, khách hàng ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Sài Gòn rất thích thu mua lá làng Dạ Lê về làm thuốc.

Dù nghề lá thuốc đã tồn tại từ bao đời nay tuy nhiên "uy tín" và "cái tâm" của của người làm nghề "vặt lá" ở Dạ Lê luôn được bà con làng lá nhắc nhở nhau hàng ngày, đó là những câu chuyện chọn đúng cây lá thuốc để đem về bán cho bà con.

Có thâm niên hơn hai 20 năm làm nghề săn lá ở Dạ Lê đến bây giờ khi nhắc đến việc tìm lá ở gần khu vực mỏ đá Ga Lôi gần cầu Tuần vợ chồng ông Nguyễn Duy Chơn và bà Lê Thị Túc ở thôn 1 Dạ Lê vẫn không sao quên được, ông Chơn kể: Cách đây hơn 3 năm, khi đi qua một bìa rừng thấy toàn cây nhân trần, cây đồng tiền mọc đầy sườn bên núi, ông Chơn ước tính nếu hái hết số lá thuốc đem về phơi bán cũng kiếm cả chục triệu đồng.

Nhưng rồi khi phát hiện 5 lọ thuốc trừ sâu của người đi phát thực bì rừng để lại gần khu vực hái lá nên vợ chồng tôi và mấy chị em trong làng nhất quyết không hái lá mang về. "Nói thiệt với chú, mình hái lá ở đó mang về thì cũng chẳng ai biết, nhưng lương tâm mình không cho phép.

Làm nghề mấy chục năm nay, dân làng Dạ Lê có được uy tín, lá thuốc Dạ Lê theo đường thiên lý Bắc- Nam đi khắp mọi nơi, không lẽ vì chút nớ mà mình đánh mất “thương hiệu” lá thuốc của làng hay sao?”, ông "Chơn lá" bảo rằng để có lá thuốc, người thợ phải phát cây ròng rã cả ngày, có khi bị rắn cắn phù mắt.

Vất vả, hiểm nguy thế nhưng lá mình hái về phải đảm bảo, mình nấu uống trước, dùng trong gia đình xong mới nghĩ đến chuyện mang bán cho người ta...

Ông Trương Văn Công Chủ tịch UBND phường Thủy Phương – Thị xã Hương Thủy cho biết: Hiện trên địa bàn phường có hơn 60 hộ chuyên hái lá rừng làm thuốc. Trong đó, tập trung chủ yếu ở tổ 1 với khoảng 25 hộ. Lá thuốc Dạ Lê là một sản phẩm truyền thống của địa phương, qua các hội chợ làng nghề, ngoài các sản phẩm như chổi đót, lá thuốc Dạ Lê vẫn được địa phương trưng bày giới thiệu.

Với nhiều công dụng, bổ ích cho sức khỏe nên lá thuốc Dạ Lê đã được nhiều địa phương biết đến, góp phần mang lại thu nhập khá cho phụ nữ nơi đây. Với những người thợ săn lá siêng năng có ngày thu nhập đến tiền triệu, nhưng phải tùy theo mùa bởi vì không phải lá thuốc, trong lúc đó dược liệu quý từ rừng ngày mỗi cạn kiệt.

Giã từ nghề hái lá thuốc đến nay tuổi cao bà Sương trở thành đại lý thu mua lá thuốc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/lang-san-la-kiem-com-3691632-c.html