Làng Rô nhỏ của tôi...

“Ơi làng Rô nhỏ của tôi

…Trong ánh sáng của những vần thơ người cha để lại, một ngày gần đây, những người con của nhà thơ Tố Hữu, TS Nguyễn Thanh Hoa cùng chồng là GS-TS Lê Khánh Châu, Nguyễn Minh Hồng cùng cô con gái xinh đẹp sắp di du học đã tìm về làng Rô giữa rừng xanh, mang tình cảm của cha mẹ mình, cũng như của chính mình đến với làng nhỏ giữa rừng sâu…

Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: T.L.

Hồi ký của nhà thơ Tố Hữu ghi về những ngày ông cùng chiến sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục, chạy trốn quân thù và dạt tới làng Rô này: “Bước lên những bậc thang gỗ, thấy một ông cụ đầu bạc nằm bên bếp lửa, biết đó là già làng, Huệ (Huỳnh Ngọc Huệ) nói to: Chào già ạ. Ổng nhỏm dậy, nhìn hai chú khách mới đến, hỏi liền khách ở đâu và sau khi nghe Huệ trả lời, ông chỉ chỗ cho chúng tôi nằm trong góc nhà. Tôi nhìn ra ngoài, thấy làng có 12 nóc nhà, ở ngay bên bờ sông Dakmy mà chúng tôi đã đi theo hơn 10 ngày qua. Một lúc sau thấy mấy cô gái Cà Tu mang lên sàn nhà 12 cái mẹt, mỗi chiếc có 2 bát cơm độn ngô và hai đĩa cá nướng thơm phức. Ông già làng gọi chúng tôi dậy bảo: Các người ăn đi. Chúng tôi đang đói lả, không ngờ lại được ăn một bữa nhiều và ngon đến thế…

Ngày ấy đã 70 năm. Năm 1973, trên đường vào Nam (và viết trường ca Nước non ngàn dặm), nhà thơ Tố Hữu khi hỏi về làng Rô, đã được gặp lại một số bà con làng Rô. Ông viết: Anh em đi tìm mãi trong rừng sâu mới mời được mấy chục đồng bào Cà Tu đến. Có bác già hỏi: “Các ông muốn gặp ai?”. Tôi nói: “Tôi muốn gặp lại bà con làng Rô trước đây đã nuôi tôi khi trốn ở tù ra”. Một cụ liền ôm vai tôi, có vẻ xúc động: “Ông là Tố Hữu phải không?”. Tôi rất ngạc nhiên: “Sao ông biết?”. Ông già đáp: “Biết chớ. Lâu rồi mà, không thấy ông về, nhớ lắm. Nghe nói ông Huệ chết rồi”. Tôi ôm lấy cụ, vô cùng cảm động: “Từ đó đã 31 năm rồi. Tôi đã được già làng cho ở và cả làng cho ăn, lại được con gái của già làng đưa qua rừng về xuôi. Nay già làng ở đâu?”. Ông cụ đáp: “Già làng là ông Đễ đó, chết lâu rồi. Cả cô con gái là Đỡ cũng chết, sốt rét mà”. Mấy bà già liền đưa cho tôi một xếp thuốc lá khô và mấy chùm bắp: “Làng đem về cho ông đó!”. Cụ già lại vẫy tay, gọi một chú đến, đưa cho tôi một cặp ngà voi: Tôi hỏi: “Sao lại có cặp ngà voi này?”. Cụ bảo: “Của già làng đó. Khi ông còn sống, làng này bắt được một con voi nhỏ, ông bảo cắt lấy hai cái ngà này, để dành đó, đợi khi nào ông về thì cho. Trước khi chết, ông cứ dặn mãi dân làng đừng quên việc ấy. Tôi hỏi ngay: “Làng lúc ấy có biết chúng tôi là tù trốn không?”. Biết chớ - Ông cụ đáp ngay - Tên trưởng đồn Tây đã kêu già làng lên đồn, cho coi ảnh hai ông, và ra lệnh bắt được thì hắn thưởng cho nồi đồng, nhiều gạo và muối. Nhưng làng Rô thương các ông lắm, các ông đánh Tây sao lại bắt? Bây giờ ông đã về, thì làng cho ông hai cái ngà này, bọn đi buôn lên đây hỏi mua, làng không bán đâu! Mỹ nó ném bom lung tung, làng phải chạy trốn trong rừng. Nay gặp được ông về, mừng lắm!”…

Các đồng chí đi cùng tôi, ai nghe cũng ứa nước mắt…

- Vâng, ở gia đình chúng tôi - chị Nguyễn Thanh Hoa tâm sự - Ngoài quê cha, quê mẹ, thì làng Hanh Cù Hậu Lộc quê Mẹ Tơm, làng Rô của núi rừng Quảng Nam, đều là những địa danh hết sức thân thuộc, kể như quê hương mình… Đó là những lý do mà gần đây, chị em chúng tôi đã rủ nhau về thăm làng Rô, thay mặt ba mẹ chúng tôi đã không còn nữa để mang tình cảm yêu thương nhất của cả gia đình chúng tôi đến với bà con…

Họ đi vào một sáng đầu hạ, vượt qua một trăm cây số đường núi rừng từ TP Đà Nẵng thì đến được làng Rô còn đang lúc nắng mai. Ngày xưa khi người cha thân yêu của họ vượt ngục qua đây, làng chỉ có 12 nóc nhà rách nát, thì đến nay, đã có 42 nóc nhà khang trang lợp ngói, với mấy trăm nhân khẩu. Lại có cả một trường học dành cho các cháu thiếu nhi. Nhớ mãi tâm sự của nhà thơ Tố Hữu luôn canh cánh bên lòng trước lúc ra đi: “Mấy năm sau ngày giải phóng, tôi có dịp về thăm lại làng Rô. Thấy vẫn còn xác xơ lắm. Nên có đề nghị tỉnh Quảng Nam giúp đỡ cho việc xây dựng lại vài chục nóc nhà bằng gạch ngói, và bày vẽ cho dân làng sản xuất, bảo đảm đời sống ấm no, thanh thiếu niên biết chữ, và tiêu diệt bệnh sốt rét… Không biết làng Rô hôm nay đã đỡ cực khổ chưa? Đó là điều lòng tôi trăn trở mãi…”.

- Điều làm chúng tôi hết sức xúc động là khi đến nhà già làng Đễ năm xưa, thì thấy trên bàn thờ, bên cạnh hình già làng Đễ, là hình ba chúng tôi. Dân làng đã thờ ba chúng tôi như thờ người thiêng liêng nhất của dân làng. Thật sự chúng tôi đã không kìm được nước mắt khi dâng hương cho già làng và cho ba…

Chị Thanh Hoa tâm sự. Chị nhớ lại ngày nhà thơ Tố Hữu ra đi, dân làng Rô cũng đã cử đại diện của làng ra tận Hà Nội đưa tiễn nhà thơ Tố Hữu. Ân tình này của người dân làng Rô, thực sự là không gì có thể sánh bằng, để rồi những người con, cháu của nhà thơ sẽ mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm của mình…

- Không chỉ ba tôi, mà mẹ tôi cũng rất sâu nặng ân tình với bà con làng Rô. Trong nhật ký của mình, mẹ có ghi: “Làng Rô có một vị trí đặc biệt trong tình cảm không chỉ của anh Tố Hữu mà còn của cả gia đình chúng tôi”. Năm 2000, mẹ tôi có cùng ba tôi về thăm làng Rô. Mẹ tôi kể lại: Khi thấy ba tôi về làng, dân làng vô cùng phấn khởi chạy ùa ra reo hò: “Bác Tố Hữu đã về”. Ba mẹ tôi bế các cháu mà rưng rưng nước mắt vì nhiều cháu chỉ có cái áo cũ rách, mà quần không có. Người lớn, cơm không đủ no, gầy guộc. Vậy mà lúc ba mẹ tôi sắp ra về, bà con còn xách cho ba mẹ tôi một túm ngô đã treo lâu ở gác bếp, một túm thuốc lá, và một buồng chuối. Cả làng đưa tiễn ba mẹ tôi một chặng đường dài, hết sức bịn rịn…

Thời gian không nhiều, nên đợt này các con của nhà thơ Tố Hữu về làng Rô không được bao nhiêu. Nhưng mấy anh chị em cũng gắng đi thăm được nhiều bà con trong làng, từ nhà già làng Đễ đến nhà già làng mới hôm nay, từ nhà đồng chí chủ tịch xã cho tới những cụ ông cụ bà cao niên nhất của làng. Quà tặng của họ cũng không nhiều nhặn gì lắm, chục triệu cho cả dân làng và riêng 5 triệu cho cháu con cụ Đễ, nhưng cái tình của họ thì thực sự làm dân làng hết sức cảm động, bởi họ hiểu cái nghĩa tình này không chỉ của một thế hệ, mà của nhiều thế hệ gia đình nhà thơ Tố Hữu luôn dành cho dân làng…

- Tất nhiên không dừng lại ở đây - Chị Thanh Hoa khẳng định - ba chị em chúng tôi sẽ gắng có nhiều đóng góp hơn cho làng Rô. Và chúng tôi cũng rất muốn kêu gọi bè bạn mình, cũng như các cơ quan đoàn thể cùng chúng tôi có những hoạt động từ thiện để góp phần hỗ trợ cho bà con dân tộc Cà tu nơi làng Rô của chúng ta.

Được biết, sau lời tâm sự này của những người con nhà thơ Tố Hữu, bước đầu đã có những người yêu thơ Tố Hữu và bạn bè thân thiết của chị Thanh Hoa và Minh Hồng một ngày gần đây sẽ lên khám bệnh và phát thuốc chăm sóc sức khỏe cho bà con làng Rô, mở đầu cho những hoạt động đền ơn đáp nghĩa với làng Rô thân yêu…

TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2013/5/319434/