Làng quê khởi sắc nhờ gói hàng nghìn chiếc bánh lá mỗi ngày

Mỗi ngày làng Quỳnh Viên gói 500 đến 1.000 chiếc bánh lá bán ra thị trường. Lễ, Tết hoặc hiếu, hỉ lên đến 4.000 chiếc, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động.

Làng Quỳnh Viên là tên gọi chung cho người dân xóm 1 và xóm 2, xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Nơi đây nổi tiếng với làng nghề bánh lá có từ hàng trăm năm.

Mỗi ngày làng Quỳnh Viên gói hàng nghìn chiếc bánh lá bán ra thị trường.

Bánh lá đơn giản chỉ là tên gọi dân dã của một thứ bánh được gói trong lá dong xanh. Nhân bánh gồm hành lá, hành củ, thịt lợn ba chỉ, hạt tiêu, mộc nhĩ. Tất cả được băm nhỏ, trộn lẫn với gia vị rồi đặt trong lòng một lớp bột gạo đã giáo sẵn, gói lại bằng lá dong. Những chiếc bánh sau đó được hấp trên bếp củi khoảng 70 phút là chín.

Bình quân mỗi ngày cơ sở của bà Xuân gói từ 300 dến 500 cái bánh lá. Ngày lễ, tiệc hiếu, hỉ lên đến hàng nghìn cái.

Ngày xưa loại bánh này là sản vật dâng lên cúng thần trong mỗi dịp hội làng, Tết đến xuân về. Ngày nay bánh lá đã được phổ biến rộng hơn trong cuộc sống hàng ngày, là món ăn yêu thích mỗi sáng hoặc vào những dịp như hiếu hỉ, yến tiệc...

Nhân và bột gáo giáo sẵn cùng lá dong canh làm nên những chiếc bánh lá đậm đà hương vị đặc trưng của làng Quỳnh Viên.

Từ sáng sớm, cơ sở sản xuất bánh lá của bà Nguyễn Thị Xuân (52 tuổi, trú xóm 1, xã Quỳnh Thạch) đã tất bật. Để gói 1.200 chiếc bánh phục vụ cho một đám cưới trong xã và bỏ sỉ cho các mối ở chợ, bà Xuân huy động nhân lực từ người thân đến hàng xóm để kịp giờ trả đơn cho khách. Người lau lá dong, người giáo bột, trộn nhân, gói bánh…

Bánh sau khi được gói, bắc lên bếp củi hấp khoảng 70 phút là chín.

Bà Xuân phấn khởi cho biết, thời điểm ra Tết đến nay, cơ sở của bà làm việc hết công suất để phục vụ cho nhiều tiệc cưới, rằm, họ, họp mặt cũng như khách sỉ ở chợ. Đơn hàng có ngày tăng lên gấp 2, 3 lần so với ngày bình thường.

"Ngày thường gia đình tôi gói đều đặn khoảng 300 đến 500 chiếc bánh lá bán ra thị trường. Những ngày có lễ tiệc thì gói từ 1.000 đến 1.500 chiếc. Dù bận rộn nhưng gia đình có thêm một khoản thu nhập. Có những đợt đơn hàng nhiều, gói không kịp phải thuê thêm nhân lực làm theo giờ (trả công 30.000 đồng/giờ/người) mới kịp đơn trả cho khách", bà Xuân chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Trinh cho biết, ngày nay, bánh lá là món ăn không thể thiếu trong lễ Tết, hiếu, hỉ, họp mặt... của người dân địa phương.

Bà Xuân sinh ra và lớn lên ở làng Quỳnh Viên nên ngay từ khi còn nhỏ, bà đã học được cách gói bánh lá từ bà ngoại. Lớn lên lấy chồng ngay trong làng, bà giữ nghề gói bánh lá cho đến bây giờ. Hiện hộ gia đình bà Xuân là một trong hàng chục cơ sở bánh lá lâu đời và có thu nhập ổn định tại làng nghề bánh lá Quỳnh Viên. Con gái của bà mới học lớp 6 đã gói bánh lá rất nhanh và đẹp. Hàng ngày, ngoài giờ học đều phụ mẹ làm bánh để mang ra chợ bán.

Bánh lá còn trở thành bữa sáng yêu thích của gia đình, các em nhỏ.

Ông Nguyễn Bá Trinh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Thạch cho biết, bánh lá Quỳnh Viên có từ hàng trăm năm và được chứng nhận làng nghề từ tháng 11/2023.

"Bánh lá Quỳnh Viên thương nhớ cho người dân địa phương, con em đi làm xa quê cũng như khách thập phương bởi màu xanh ngọc, mùi thơm ngậy, vị dẻo bùi. Đây là món ăn sáng thơm ngon, tiện lợi, giá bình dân cho người dân trong làng và nhiều vùng lân cận. Đặc biệt, trong mâm tiệc những ngày lễ, Tết, hiếu, hỉ không thể thiếu loại bánh này", ông Trinh chia sẻ.

Những cô gái ở làng Quỳnh Viên đều biết gói bánh lá rất nhanh và đẹp.

Cũng theo ông Trinh, làng nghề bánh lá Quỳnh Viên hiện có đến 40 cơ sở, hộ gia đình làm bánh lá như cơ sở Xuân Thắng, Hiền Biền, Nga Công, Tâm Thính, Giang Danh, Thanh Ngà… Bình quân mỗi ngày làng nghề gói từ 1.800- 2.000 chiếc bánh, những lúc có việc hiếu, hỉ, yến tiệc… lên đến 3.000- 4.000 chiếc, công việc đều tay không nghỉ.

Ngoài phục vụ nhu cầu của người dân địa phương còn cung cấp cho nhiều mối sỉ ở các xã lân cận và gửi đi nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai… Đặc biệt những dịp lễ, Tết, con em ở quê đi làm ăn xa trở về, ai cũng muốn thưởng thức hương vị đặc trưng của quê hương nên nhu cầu ăn bánh lá tăng cao. Tạo việc làm cũng như thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Bình quân mỗi chiếc bánh lá được bán với giá 5.000 đồng.

Bình quân mỗi chiếc bánh lá được bán với giá 5.000 đồng. Khách đặt theo đơn hàng có thể giao động từ 5000 đến 7.000 đồng (theo yêu cầu). Giá bình dân, phù hợp với đông đảo người dân địa phương cũng như thực khách lân cận.

Làng nghề bánh lá Quỳnh Viên có 40 cơ sở, hộ gia đình làm nghề, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương.

"Vừa qua, làng Quỳnh Viên vui mừng khi đón bằng công nhận "làng nghề bánh lá Quỳnh Viên". Đây là một trong những động lực để người dân cùng giữ lửa nghề. Thu nhập chính của người làng Quỳnh Viên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nghề gói bánh lá không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động mà còn làm cho đời sống nhân dân nơi đây ngày càng khởi sắc.

Những người con làng Quỳnh Viên nói riêng, xã Quỳnh Thạch nói chung dù đi đâu, về đâu, ăn bao nhiêu loại bánh, vẫn không thể quên hương vị đặc trưng của làng quê được người dân khéo léo gói vào trong từng chiếc lá", ông Trinh chia sẻ thêm.

Nhã Hoàng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-que-khoi-sac-nho-goi-hang-nghin-chiec-banh-la-moi-ngay-20240307131115401.htm