Làng quanh chân sóng

1. Chiều cuối năm, tôi lững thững một mình ven bờ để ngắm từng con sóng của ngày biển động. Những cơn gió đông từ Hòn Chảo thổi vào từng đợt se sắt, song dọc bờ biển Xuân Thiều vẫn có những chiếc ghe con dập dềnh giăng lưới. Mùa biển động, sóng lớn chồm lên bãi cát mịn màng cũng là thời điểm không ít ngư dân thả lưới gần bờ để bắt cá liệt. Biển chiều hiu hắt, mây xám lởn vởn trên núi Hải Vân, biển như càng man mác niềm riêng gợi cho tôi nhắc nhớ câu chuyện từ lịch sử vọng về.

Ngư dân làng cá Nam Thọ xâu lưới chuẩn bị cho buổi chiều đi lộng. Ảnh: THÁI MỸ

Chuyện kể rằng, mảnh đất làng cá Xuân Thiều, Nam Ô ngày xưa thuộc vương quốc Chiêm Thành. Năm 1306, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân để lấy châu Ô, châu Lý với ranh giới từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra. Giang sơn, bờ cõi của Đại Việt được mở mang, người dân từ các tỉnh phía bắc vào trú ngụ rồi hình thành ra làng chài Xuân Thiều, Nam Ô.

Dân gian còn lưu truyền, ngày xưa bà con làng chài Xuân Thiều, Nam Ô đều cư ngụ bên bờ nam sông Cu Đê, còn phía bờ bắc chưa có làng mạc, xóm thôn bởi dãy Hải Vân là những cánh rừng rậm hoang vu, cọp dữ thường xuyên xuống chân núi rình mò tìm kiếm thức ăn nên nơi đây không một bóng người. Dân làng Xuân Thiều, Nam Ô lúc bấy giờ chủ yếu sinh sống bằng nghề quăng chài, thả lưới từ cửa biển về phía thượng nguồn Cu Đê.

Những mái nhà đơn sơ, thấp lè tè dọc bờ biển của hai làng cá ngập lút trong màu xanh của cánh rừng Cu Đê - Hòn Phụng. Từ đỉnh Hải Vân nhìn xuống, làng chài như hai cánh chim đại bàng tung về phía Tiên Sa. Rồi năm 1471, cư dân Thanh Hóa, Nghệ An theo vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành, làng chài Xuân Thiều, Nam Ô càng thêm đông đúc. Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Đàng Trong thì hai làng chài Xuân Thiều, Nam Ô không chỉ nổi tiếng về ngư nghiệp mà còn vang xa nghề chế biến mắm các loại, đặc biệt là nước mắm cá cơm than được đánh bắt quanh vịnh Đà Nẵng.

Một điều lạ lùng ở làng cá Nam Ô mà không làng chài nào trong cả nước có được, đó là nghề làm pháo nổ. Theo lưu truyền, ông tổ nghề pháo làng chài Nam Ô là Ngô Mai, còn gọi Cửu Mai, quê tỉnh Quảng Ngãi. Trong một lần ra phương bắc tìm kế mưu sinh nhưng ông không vượt qua được đệ nhất hùng quan bởi làng cá Nam Ô đã níu giữ chân ông lại. Ông không xuống biển cùng dân làng mà chế pháo nổ để bán cho bà con đốt đì đùng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Trải qua năm tháng, nghề pháo Nam Ô lớn dần từ số lượng đến thương hiệu, sánh ngang với pháo làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Những câu vè về pháo Nam Ô cũng ra đời theo danh tiếng của sản phẩm: “Học trò của cụ Cửu Mai/ Pháo hoa, pháo nổ trổ tài thấp, cao/ Trần Vinh, Trần Thiện, Trần Hào/ Trần Lương làm pháo, pháo nào giòn tan/ Pháo từ Hóa Ổ nổ om/ Xuân Thiều nổ trả, Quan Nam nổ nồi…”. Ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ thì pháo Nam Ô cũng chỉ còn trong quá khứ. Bà con làm pháo chuyển đổi nghề, chủ yếu chế biến cá nắm.

2. Hầu hết dọc bờ biển từ chân núi Hải Vân đến Non Nước đều có các làng chài. Bao tên đất, tên làng muôn đời gắn với biển cả mênh mông như Xuân Thiều, Nam Ô, Thanh An, Thanh Thủy, Địa Bảo, Nam Thọ, Đông Hải, Tân An, Tân Thái, Phước Mỹ, Mỹ Khê, Tân Trà… và hàng chục làng chài như tấm bình phong khổng lồ vây quanh phố xá Đà Nẵng từ thuở xa xưa. Không ai rõ làng cá nào có trước, làng nào có sau, chỉ biết nó hình thành rất sớm, từ thế kỷ XIV, XV, khi con dân Đại Việt mở mang vùng đất phương nam.

Cụ Lê Văn Hiệu, 87 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, kể rằng hai làng chài Thanh An, Thanh Thủy được hình thành lâu đời. Ngày xưa, nơi đây là những trảng cát trắng bao bọc quanh bãi biển trong xanh ôm hình cánh cung tuyệt đẹp. Dân cư của hai làng thưa thớt, nghèo túng, tá túc dưới những nóc nhà mái lá tạm bợ. Đa số người dân nơi đây làm nghề chài lưới trên biển, làm mắm. Tư liệu sản xuất thuở xưa của bà con ngư dân hai làng chài chỉ là những tấm lưới đan lát thủ công với những chiếc ghe nan bầu bằng tre, trát dầu rái hoặc những chiếc thuyền được đóng từ những tấm ván mỏng manh và chủ yếu họ đánh bắt gần bờ. Do những chiếc ghe nhỏ bé, ra biển chỉ biết đoán thời tiết theo kinh nghiệm nhìn trời, nhìn mây, nhìn nước nên rủi ro nhiều.

Làng chài Tân Thái được coi là một trong ngững ngôi làng cổ lâu đời ẩn mình dưới chân núi Sơn Trà. Theo gia phả tộc Lê của khối phố Tân Thái, phường Mân Thái, quận Sơn Trà hiện đang lưu giữ tại nhà thờ tộc thì năm Tân Mão 1651, cụ tổ là Lê Duật từ làng Nga Mỹ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào đây khái phá, lập ra làng chài Nam An. Cụ tổ Lê Duật là con ruột của Triệu quận công Lê Hào, cháu đời thứ 6 của vua Lê Thánh Tông và ông cùng với một số người của các tộc họ khác đặt dấu chân đầu tiên tại vùng cát trắng này. Theo thời gian, các làng chài phụ cận khác được hình thành như Cổ Mân, Nam Thọ, Mân Quang.

Ngư dân kéo thúng chai lên bờ nghỉ ngơi sau một đêm trên sóng vất vả. Ảnh: THÁI MỸ

3. Nhiều làng chài do sự tác động của đô thị hóa đã làm thay đổi không ít hiện trạng cổ xưa, song hầu hết các làng chài vẫn còn lưu giữ được hồn cốt về vị mặn mòi của biển. Những mái đình, giếng nước, cây đa, miếu mạo, lăng ông vẫn hiện diện, đan xen trong cộng đồng cư dân miền biển. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tâm linh truyền thống của các làng chài luôn được trân trọng, bảo tồn.

Tôi có hàng chục năm sống chung với bà con làng cá Thanh Bồ, Đức Lợi, Đa Phước ngay cửa biển sông Hàn, nơi gần bến cá Thiệu Bình, sau năm 1975 đổi thành Thuận Phước nên cũng hiểu phần nào tập tục của bà con vùng biển. Có lẽ ba làng cá này hình thành muộn nhất, bởi sau năm 1954, ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào đây lập làng trên rẻo bùn đất lầy lội, song do vị trí địa lý thuận lợi nên một chợ cá lớn nhất của Đà Nẵng lúc bấy giờ xuất hiện ở đây, nay đã chuyển qua cảng cá Thọ Quang. Nét giống nhau nhất của các làng chài là ngư cụ và môi trường đánh bắt. Hầu hết bà con làng chài chỉ đi lộng, nghĩa là với phương tiện thô sơ, ghe thuyền nhỏ bé nên chỉ khai thác quanh năm gần bờ.

Các ghe, thuyền, thúng chai của họ ra biển từ xế chiều thì tờ mờ sáng hôm sau quay về để bán cá. Chính kiểu đánh bắt ấy đã làm cho các bãi biển thường náo nhiệt vào mỗi sáng sớm. Khi phía đông ửng hồng thì trên cát lạo xạo những bước chân người. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng quang gánh kĩu kịt từ các điểm mua bán tôm cá ngay trên bãi biển rồi tiểu thương mới mang tới các chợ trong thành phố. Ban ngày, họ tranh thủ đan thúng, vá lưới, sửa chữa các loại ngư cụ để chiều lại đi về phía biển cả xa xăm. Cái vòng tròn ấy cứ đeo đuổi cuộc mưu sinh đầy gian nan, vất vả của họ theo từng con sóng xô bờ.

Tháng giêng hằng năm là mùa lễ hội của các làng chài mang đậm sắc màu, tập tục của làng biển có từ bao đời nay. Ngoài cầu quốc thái dân an, tế thần Nam Hải chở che, phù hộ cho những số phận lênh đênh trên sóng nước, trong họ còn ôm ấp một khát vọng lớn lao là phải có cuộc sống ngày hôm nay no đủ hơn hôm qua. Và bao đời nay sóng biển vẫn rì rào réo gọi, níu kéo họ ở lại với biển…

THÁI MỸ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/bao-xuan-2024/202402/lang-quanh-chan-song-3966036/