Lãng phí trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập

Hàng loạt trụ sở cơ quan bị bỏ hoang do dư thừa sau sáp nhập, gây lãng phí lớn.

Nhiều địa phương đã thực hiện chủ trương sáp nhập xã, huyện, từ đó giúp giảm được đáng kể số lượng đơn vị hành chính. Tuy nhiên, sau sáp nhập đã dư thừa hàng loạt trụ sở cơ quan đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất và ngân sách. Đây là bài toán cần sớm có lời giải vì tới đây số lượng các đơn vị sáp nhập là rất lớn.

Trụ sở cũ Sở Công thương Tiền Giang ở mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, TP Mỹ Tho then cài cửa đóng hơn 3 năm qua.

Kỳ 1: Những khối tài sản tiền tỷ phơi mưa nắng

Nhiều trụ sở, trong đó có cả những trụ sở vừa mới xây xong với kinh phí hàng tỷ đến cả trăm tỷ đồng nhưng buộc phải để không, chưa có phương án sử dụng, gây lãng phí lớn.

Trụ sở trăm tỷ đành bỏ hoang

Ngày cuối tháng 8, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại trụ sở UBND quận 9 (cũ), mặt tiền đường song hành Xa lộ Hà Nội, thuộc phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM không một bóng người ra vào.

Cánh cổng bên ngoài đã rỉ sét, bằng chứng của việc đã lâu không sử dụng. Tòa nhà hoành tráng với 6 tầng, hàng chục phòng làm việc được hoàn thiện và đưa vào sử dụng khoảng giữa năm 2019 với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Tính đến ngày sáp nhập TP Thủ Đức (1/1/2021), trụ sở này được sử dụng khoảng 18 tháng.

Cách đó không xa, trụ sở ban dân vận, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quận Thủ Đức trước đây cũng chưa được bố trí sử dụng vào mục đích khác. Tòa nhà này được xây dựng với quy mô 1 trệt 1 lầu nằm trên tuyến đường Đoàn Kết. Do không sử dụng đúng chức năng và bảo trì, trụ sở này còn dấu hiệu xuống cấp hơn cả UBND quận 9.

Tương tự, Kho bạc Nhà nước quận 9 cũ nằm trên mặt tiền đường Lò Lu, phường Phú Hữu, được xây dựng trên khu đất cả nghìn m2, quy mô 1 trệt 3 lầu hiện cũng đang để trống.

Trong đợt giám sát về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Thủ Đức, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM bày tỏ rất xót xa khi nhiều trụ sở trên địa bàn bị bỏ trống, chưa bố trí thích hợp cho đơn vị khác sử dụng.

"Khi sáp nhập, TP Thủ Đức chưa có kế hoạch sử dụng các trụ sở cũ, khiến người dân nhìn vào có suy nghĩ không tốt về hiệu quả vận hành các công sản, gây lãng phí", ông Bình nói.

Tại tỉnh Quảng Ninh, vào tháng 1/2020, xã Phú Hải sáp nhập vào thị trấn Quảng Hà; xã Quảng Thắng sáp nhập vào xã Quảng Minh, huyện Hải Hà. Từ đó đến nay, trụ sở xã Phú Hải cũ và xã Quảng Thắng cũ bị bỏ hoang, hiện đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Gần kề đó, hai trạm y tế xã được đầu tư rộng rãi, khang trang cũng rơi vào cảnh cửa đóng im ỉm.

Tại huyện Đầm Hà, trụ sở xã Quảng Lợi cũ sau khi sáp nhập với xã Quảng An đang được công an xã dùng vài phòng, còn lại bị bỏ hoang. Trong khi gần đó, trụ sở công an xã đang xây mới sắp hoàn thành.

Dôi dư hàng trăm trụ sở

Công sở xã Quảng Phúc, Quảng Xương, Thanh Hóa đầu tư 5,6 tỷ đồng xây mới chưa được sử dụng.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2021, địa phương đã tiến hành sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long và 9 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng trụ sở các đơn vị cấp xã sau sáp nhập trên địa bàn dôi dư là 9. Trong đó, có một trụ sở mới được xây với kinh phí 2,1 tỷ đồng, 4 trụ sở mới cải tạo với tổng đầu tư 5,1 tỷ đồng.

Ở Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2022, tỉnh đã tiến hành sáp nhập và giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố. Từ đó, có 789 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước dôi dư và hiện hầu hết đang bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí.

Thậm chí, ngay trước thời điểm sáp nhập chưa lâu, không ít trụ sở đã được xây theo kế hoạch, sau đó buộc phải dừng. Điển hình như khi thực hiện sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, địa phương chọn công sở xã Quảng Vọng để làm trụ sở chính.

Thời điểm này, công sở xã Quảng Phúc cũ đang được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 3.000m2, kinh phí 5,6 tỷ đồng đã phải dừng thi công. Khu hội trường xã vừa xây năm 2018 kinh phí hơn 3 tỷ đồng cũng bỏ hoang từ đó đến nay.

Tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2020, tỉnh tiến hành sáp nhập và giảm từ 262 xã xuống còn 216 xã. Từ đó có 46 trụ sở xã dôi dư, chưa có phương án sử dụng, nhiều trụ sở vừa được xây, sửa chữa với số tiền hàng tỷ đồng.

Điển hình, đầu năm 2020, các xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân của huyện Thạch Hà sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở, trạm xá của xã Thạch Lâm, Thạch Hương bị bỏ hoang, trong đó có hội trường và dãy nhà làm việc trị giá hơn 8 tỷ đồng của xã Thạch Hương vừa hoàn thành, đến giờ vẫn còn mới tinh.

Tại huyện Đức Thọ, một trong những địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước, từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn, hiện có 12 trụ sở xã dư thừa. Trong đó, có nhiều trụ sở xã vừa được đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng.

Hay như ở Hải Dương, khi sáp nhập xã An Lương và xã Phượng Hoàng thành xã An Phượng, huyện Thanh Hà, trụ sở xã An Lương cũ xây xong năm 2018 với kinh phí 7 tỷ đồng cũng đã phải bỏ không đến nay.

Chỉ tính riêng Thanh Hóa với 800 cơ sở chưa có phương án sử dụng, cộng với không ít trụ sở ở nhiều nơi tại các tỉnh, thành khác phải để không, có thể thấy sự lãng phí là rất lớn. Riêng số tiền xây các trụ sở này đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, chưa kể một diện tích đất rất lớn bị bỏ hoang.

Thuê người trông nom vẫn không xuể

Tòa án tỉnh Long An nằm trên đường Trương Định, phường 1, TP Tân An, Long An bỏ không gần 3 năm nay.

Tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, sau khi xã Kim Khê, Kim Lương sáp nhập thành xã Kim Liên, trụ sở xã Kim Lương cũ và khu nhà hội trường bị bỏ hoang, người dân đang tận dụng để làm sân bóng chuyền và tập kết vật liệu xây dựng.

Ông Vũ Ngọc Uông, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, hiện đơn vị đang thuê bảo vệ để trông coi trụ sở với giá 3 triệu đồng/tháng. "Xã chờ cơ quan thẩm quyền xem xét rồi đưa ra phương án cho trụ sở bỏ hoang này", ông Uông chia sẻ.

Xã Lam Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được sáp nhập từ ba xã Hùng Đô, Phương Thịnh và Tứ Mỹ. Ghi nhận của PV vào tháng 8/2023, trước cổng chính trụ sở UBND xã Tứ Mỹ cũ đang là nơi tập kết rác của một số hộ dân. Phía trong trụ sở, các phòng làm việc đã xuống cấp, cửa đóng then cài, cỏ dại mọc um tùm. Sân UBND xã đang được người dân tận dụng để làm nơi đánh bóng chuyền.

Ông Đặng Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết, sau khi sáp nhập 3 xã, 2 trụ sở cũ đã đóng cửa bỏ không từ đó đến nay. Hiện, xã vẫn bố trí cán bộ để quét dọn, trông coi.

"Do trụ sở xã sau khi sáp nhập không đủ chỗ cho nhân sự nên trong năm 2022, xã vừa được đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng thêm phòng tiếp nhận và trả kết quả một cửa, khu hành chính", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, sau khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, vẫn còn tình trạng trụ sở bỏ không, chưa được đưa vào sử dụng; địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí ở một số ít địa phương.

Nguyên nhân là do một số địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, giao thông không thuận lợi nên việc giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp gặp một số khó khăn. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện không phù hợp với nhu cầu, chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa cao.

"Trong khi đó, việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư cũng gặp khó, giá trị giảm do không còn nằm ở khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ…", ông Tuấn lý giải.

Sáp nhập hơn 1.300 xã, huyện trong 3 năm

Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị (giảm 8 đơn vị).

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến 31/12/2022 đã giảm 648/706 (91,8%) cán bộ, công chức cấp huyện; 7.741/9.705 (79,8%) cán bộ, công chức cấp xã), giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2022-2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Giai đoạn 2023-2030 được chia thành hai lộ trình thực hiện là 2023-2025 và 2026-2030.

Trong đó, giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lang-phi-tru-so-bo-hoang-sau-sap-nhap-19223090421220253.htm