Lãng phí tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, việc hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh không phát huy hiệu quả.

Chỉ riêng trung tâm GDTX ở huyện Con Cuông (Nghệ An), năm học 2016 - 2017, trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện chỉ tuyển sinh được 3 học sinh lớp 10.

Trung tâm GDTX Con Cuông gần như hoang vắng quanh năm

Tình trạng tương tự đã diễn ra nhiều năm về trước, bởi tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh khối 10, 11, 12 của toàn trung tâm chỉ có 21 học sinh, trong khi tổng số cán bộ, giáo viên toàn trung tâm có 10 người. Bà Nguyễn Thị Quế - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên càng ngày càng khó khăn bởi hiện tại học sinh THPT trên địa bàn đã “co” lại nhiều. Số không học lên cấp THPT, các em lại chuyển sang học trường nghề vì vừa có bằng nghề, vừa được công nhận học xong trình độ văn hóa”.

Điều mà nhân dân trăn trở là các trung tâm GDTX không có học sinh, nhưng kinh phí cho hoạt động, lương, phụ cấp, văn phòng phẩm vẫn phải cấp đủ. Tại trung tâm GDTX Con Cuông, nhiều năm nay do không có học sinh nên giáo viên không có tiết dạy, chủ yếu đến ngồi chơi rồi "tùy nghi di tản". Gần đây, ban lãnh đạo trung tâm năng động phối hợp với các trường mở các lớp tại chức đại học và dạy tiếng dân tộc, thi giấy phép lái xe ô tô B1, giấy phép lái xe mô tô và học cắm hoa nghệ thuật... thì chỉ vài giáo viên có việc làm chủ nhiệm lớp, còn lại không có việc làm, không có học sinh để dạy văn hóa.

Hiện nay Sở GD-ĐT Nghệ An đang có chủ trương sáp nhập các trung tâm GDTX với trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, nhưng gặp khó vì trung tâm GDTX do Sở GD-ĐT quản lý, còn trung tâm hướng nghiệp dạy nghề do Sở LD-TB&XH quản lý. Nhiều giáo viên đang hết sức lo lắng không biết sắp tới công việc sẽ được giải quyết như thế nào?

Hình ảnh hoang vắng quanh năm tại Trung tâm GDTX Con Cuông:

CHÍNH TRỰC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lang-phi-tai-cac-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-post199765.html