Làng nhạc Việt thời dịch

Nhạc Việt chịu ảnh hưởng lớn vì dịch Covid-19, nhiều live show dừng tổ chức, thị trường biểu diễn ảm đạm. Nhưng nhiều nghệ sĩ cũng cho thấy sự đồng hành cao với phòng chống dịch.

Sáng 7/3, sau khi Hà Nội phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, một số quán cà phê ca nhạc ở thị trường thủ đô thông báo về việc dừng tổ chức chương trình thường kỳ cuối tuần.

“Ngủ dậy bay ngay 2 show dẫn tối nay và chiều mai. May là các show ca nhạc cát-xê cũng nhẹ nhàng”, MC Kim Nguyên Bảo, thường xuyên dẫn các đêm nhạc nhỏ ở không gian quán cà phê, bày tỏ trên trang cá nhân.

Bằng Kiều có kế hoạch tham gia một số đêm nhạc dịp đầu năm, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, các chương trình đã dừng tổ chức.

“Chưa bao giờ thị trường âm nhạc ảm đạm như vậy”

Dịp mùng 8/3 hàng năm là “thiên đường” của thị trường live show ở thủ đô. Khán giả Hà Nội đặc biệt ưa chuộng những chương trình âm nhạc vào các ngày lễ, kỷ niệm, đặc biệt là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Những năm trước, Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia đều có đêm nhạc vào dịp này, thậm chí những địa điểm như Cung Việt Xô thường có 2 đêm liên tiếp, trong ngày 7-8/3.

Năm nay, không có đêm nhạc lớn nào được tổ chức. “Từ đầu năm đến nay thị trường âm nhạc ở Hà Nội tương đối ảm đạm, gần như không có chương trình nào đáng kể”, một nhà sản xuất nói với Zing.vn.

Media Max hay Đông Đô Show – những đơn vị đứng sau thành công của nhiều đêm nhạc ở thủ đô – đều không có chương trình từ Tết Nguyên đán.

Những live show từng bị hủy dịp 14/2 như Cảm ơn tình yêu với Bằng Kiều, Mỹ Linh, Uyên Linh, Tấn Minh, Modern Talking & Sandra hay Chuyện tình của danh ca Khánh Ly cũng hoãn vô thời hạn. Các đơn vị sản xuất chưa thông báo mốc thời gian trở lại.

Không chỉ live show, đời sống biểu diễn cũng ảm đạm. Do ảnh hưởng của dịch, các đơn vị cũng hạn chế tổ chức các sự kiện, chương trình thương mại, giới ca sĩ do vậy cũng ít show.

Đan Trường tiết lộ chỉ vòng nửa tháng, anh bị hủy tới 12 show. Trong khi, đại diện của Đức Phúc thừa nhận đó là tình trạng chung của các ca sĩ thời dịch Covid-19.

Tân Nhàn hủy họp báo đã lên kế hoạch vào ngày 7/3.

MV vẫn được ra mắt nhưng hủy tổ chức họp báo

Chơi vơi là MV mới nhất của ca sĩ dân gian Tân Nhàn. Nữ ca sĩ dự kiến tổ chức họp báo vào ngày 7/3 tại Hà Nội. Địa điểm đã được đặt, đã mời khách và giới truyền thông. Poster chương trình cũng đã hoàn thành.

Tuy nhiên, sáng 7/3, nữ ca sĩ thông báo chương trình họp báo buộc phải dừng tổ chức. “Giờ chỉ mong người dân Hà Nội và cả nước đi qua mùa dịch một cách bình an”, nữ ca sĩ chia sẻ.

Thời gian qua nhiều MV cũng được ra mắt nhưng theo quan sát của Zing.vn, đa phần các ca sĩ không tổ chức họp báo như thông lệ thường làm. Các MV như Hơn cả yêu, Chân ái, Cần một lý do… đều không có chương trình ra mắt.

MV hiếm hoi được tổ chức họp báo là Sài Gòn của anh, một sản phẩm của HuyR kết hợp với K-ICM. Tuy nhiên những người tham dự cũng được khuyến cáo từ trước là nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người xung quanh.

Sự đồng hành của giới âm nhạc

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng chính giới âm nhạc cũng có đóng góp nhận định trong thời dịch. Không chỉ từ những hành động như khẩu trang miễn phí, vận động rửa tay đúng cách, một số ca sĩ, nhạc sĩ còn tham gia vào việc tuyên truyền cách phòng chống dịch và tạo ra những lan tỏa trong cộng đồng.

Ghen Cô Vy của Khắc Hưng, qua giọng hát của Min và Erik là ví dụ.

Từ đơn đặt hàng của Viện Sức khỏe, nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế, Khắc Hưng đã biến tấu ca từ của Ghen, vốn cũng đã ra mắt vào năm 2017, để sáng tạo thành một ca khúc mang thông điệp thời sự.

Với Ghen Cô Vy, Khắc Hưng đổi toàn bộ phần lời. Từ câu chuyện về tình yêu, ca khúc chuyển sang truyền tải nội dung về cách phòng tránh dịch Covid-19, trong đó trọng tâm là sáu bước rửa tay theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Ca khúc đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng. Sau truyền hình Mỹ, UNICEF, tạp chí âm nhạc Billboard, Ghen cô Vy tiếp tục được nhắc đến ở truyền hình Pháp và nhiều trang thông tin quốc tế.

Sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt ngoài thị trường nội địa của ca khúc khiến không chỉ ê-kíp mà khán giả Việt cũng cảm thấy tự hào. Hiện, ê-kíp đang hoàn thiện phiên bản tiếng Anh để góp thêm vào hiệu ứng của sản phẩm.

Bộ ba làm nên Ghen Cô Vy.

Ngoài Ghen Cô Vy, làng nhạc thời dịch cũng chứng kiến sự lan tỏa của một số “sản phẩm nghiệp dư” nhưng cũng nhận được nhiều tình cảm như ca khúc Đánh giặc corona do Lê Thống Nhất sáng tác, Hải Lê và Thế Anh thể hiện.

Ca khúc đã được phát rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và được yêu thích vì hơi hướm cổ động, khơi dậy tinh thần đoàn kết.

Hay bản nhạc chế Để dịch nói cho mà nghe của cô gái Thùy Dung, chế từ bản hit Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh, cũng nhận được nhiều thiện cảm. Ca khúc được “chế” trong thời gian Thùy Dung bị cách ly ở TP.HCM nhưng thể hiện rõ sự lạc quan, tin tưởng của cô gái trẻ.

Lạc quan, tin tưởng, không hoang mang cũng là lời khuyên của nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới âm nhạc dành cho khán giả của mình.

Mới đây, ca sĩ ST. Sơn Thạch viết trên trang cá nhân: “Các bạn ở Hà Nội đừng quá lo lắng, chỉ cần hạn chế ra đường và thực hiện đầy đủ yêu cầu phòng bệnh của ngành y tế như rửa tay thường xuyên, chủ động mang khẩu trang, chủ động cách ly, khai báo y tế nếu về từ vùng dịch. Cố lên nhé vì sức khỏe của chúng ta”.

Cùng chung chia sẻ, Khắc Hưng viết: "Tất cả nên thực sự bình tĩnh, cố gắng đừng gây hoảng loạn đến những người xung quanh, mua lương thực và nhu yếu phẩm vừa đủ, để dành cho mọi người cùng mua".

"Hạn chế đi ra ngoài thời điểm này, và luôn tự giác vệ sinh thân thể cũng như không gian xung quanh mình. Ngay lúc này, đây là một phép thử để chúng ta đương đầu, mọi người cùng nhau tự giác và đoàn kết, cùng cố gắng nhé! Việt Nam ơi, vững tin", anh nhắn nhủ.

Trong khi đó, diva Mỹ Linh nhắn nhủ: “Xin cảm ơn các bác sĩ, cán bộ, nhân viên đang trắng đêm phục vụ nhân dân trong đại dịch. Mỗi người đều tự ý thức giữ gìn nhé”.

Khuê Tú

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lang-nhac-viet-thoi-dich-post1056267.html