Làng nghề vẫn ô nhiễm sau khi Quốc hội có nghị quyết giám sát

Trong các phần chất vấn của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chiều 15-11, nhiều đại biểu quan tâm đến môi trường nông thôn, làng nghề và cụm công nghiệp. Mặc dù Quốc hội đã có nghị quyết giám sát về ô nhiễm làng nghề từ năm 2012, nhưng đến nay tình trạng này không giảm, thậm chí còn tăng lên.

Thiếu kinh phí xử lý ô nhiễm làng nghề

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang rất nghiêm trọng vì rác thải chưa được thu gom xử lý, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà thừa nhận là do quá trình dịch chuyển của ô nhiễm của cụm công nghiệp từ đô thị sang nông thôn, vì nhận thức của nông thôn chưa đạt như thành thị.

Ở nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp ô nhiễm thường xen với dân do công tác quy hoạch ở đây không tốt.
Theo Bộ trưởng, vấn đề quản lý môi trường nông thôn là do Bộ TNMT chịu trách nhiệm, thế nhưng trong phân định thì hạ tầng nói chung cũng như hạ tầng xử lý chất thải lại được giao cho Bộ NN và PTNT.

Do chưa quy định rõ, nhiều thành phần quản lý, nên nếu ở đô thị được kiểm tra chặt chẽ thì ở nông thôn lại chưa được chú ý, dẫn đến các làng nghề ẩn nấp ngành công nghiệp lạc hậu, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hạnh (Bắc Ninh) cho rằng, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 30 ngày 21-6-2012 về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó giao Bộ TNMT có chương trình, kế hoạch cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp, lưu vực sông. Tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục, thậm chí một số nơi còn gia tăng đáng báo động.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề hậu kiểm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội? Trong thời gian tới Bộ trưởng đã có kế hoạch giải pháp nào để thực hiện Nghị quyết này nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay?”, đại biểu Trần Thị Hạnh chất vấn.

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết 30, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ đã xây dựng đề án để khắc phục tình trạng ô nhiễm ba lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai.

Nhưng với làng nghề, do tình hình kinh tế khó khăn, chỉ bố trí được 1/5 kinh phí nên mới giải quyết xử lý môi trường được chín làng nghề trong số 34 làng nghề.

Theo Bộ trưởng, cần huy động đầu tư của ba bên: Nhà nước thông qua ngân sách, nguồn vốn ODA, các nguồn tham gia của xã hội, tức là doanh nghiệp đầu tư theo hình thức công tư với các mô hình thích hợp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất với Quốc hội thay thế phí bằng giá dịch vụ để xử lý theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền thì có thể tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề, lưu vực sông và nông thôn.

Quy trách nhiệm cho ai khi xảy ra ô nhiễm?

Khi chất vấn Bộ trưởng TNMT, vấn đề quy trách nhiệm được các đại biểu đặt ra nhiều nhất, nhưng cũng chính là vấn đề gây khó ngành TNMT khi vướng luật và các quy định hiện hành.

Theo đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu), khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về mình nên việc xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường rất khó khăn và không triệt để. Đại biểu Cúc chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân và hướng xử lý.

Bộ trưởng cho rằng, khi xảy ra vấn đề môi trường, theo các quy định hiện nay, có phân định quản lý Nhà nước theo các cấp nhưng việc phối hợp trong giải quyết vấn đề giữa trung ương và địa phương chưa được rõ ràng. Việc cấp phép đầu tư ở địa phương được quy định ở luật khác nhau. Trên thực tế, các cơ quan Trung ương không thể đảm đương được việc quản lý xử lý môi trường ở địa phương. Do đó, cần phân rõ hơn trách nhiệm ở các địa phương, đồng thời, việc gắn trách nhiệm và tạo các điều kiện về tổ chức bộ máy, thiết bị và nguồn lực để địa phương thực hiện.

Một chất vấn khác đến từ đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng các dự án đều có báo cáo tác động môi trường được phê duyệt nhưng có trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này nhưng nội dung lại nêu tên của công trình khác. Đại biểu Thắng băn khoăn làm thế nào để bảo đảm báo cáo đánh giá tác động môi trường thực sự có tác dụng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính chất dự báo, chưa phải là công cụ để giám sát quá trình dự án. Theo ông, việc quy định về công cụ đánh giá tác động môi trường giữa Luật bảo vệ môi trường 2005 và luật 2014 có quan điểm khác nhau. Luật 2005 đặt trách nhiệm của cơ quan Nhà nước lên đầu, còn luật 2014 lại đặt nặng trách nhiệm lên doanh nghiệp. Theo đó, trong quá trình sau đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế, thi công, vận hành thử... Chỉ đến khi doanh nghiệp thấy công trình hoàn thiện mới báo cáo lên cơ quan quản lý môi trường.

“Tuy nhiên, có nhiều loại hình công nghiệp tiềm năng ô nhiễm nguồn thải lớn cần xác định lại để có danh mục quản lý chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng nói. Ông đề xuất xem xét điều chỉnh lại Luật bảo vệ môi trường.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31279802-lang-nghe-van-o-nhiem-sau-khi-quoc-hoi-co-nghi-quyet-giam-sat.html