Lắng nghe người lao động

Rất nhiều ý kiến đại diện cho hơn 1,3 triệu lao động tại TP Hồ Chí Minh đã được nêu, đề đạt, kiến nghị với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chung quanh đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ). Lắng nghe ý kiến của họ, lãnh đạo thành phố ghi nhận nhiều vấn đề được phản ánh từ thực tiễn cuộc sống…

Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh Trương Hồng Sơn cho biết, trong số 131 lượt ý kiến đóng góp cho thành phố, hầu hết đều đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư cải thiện, các công trình phúc lợi được quan tâm thực hiện; nhiều trường lớp được mở rộng, nhiều tuyến đường lớn được xây dựng giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số hạn chế như tình trạng ngập nước kéo dài, ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường, an ninh xã hội còn phức tạp, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật…

Liên quan công tác bảo đảm an sinh xã hội, anh Trịnh Đình Cường (Công ty cổ phần Cao-su Bến Thành) cho biết: “Thành phố đã triển khai xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên số lượng căn hộ còn ít, giá quá cao so với thu nhập của người lao động. Thành phố nên đầu tư xây dựng nhiều công trình nhà ở xã hội, có nhiều hình thức như bán, cho thuê hoặc thuê mua, tạo điều kiện cho CNVC-LĐ mua trả góp hoặc thuê; có chính sách cho người lao động được vay ưu đãi từ quỹ phát triển nhà để có thể mua nhà, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể vận động người có nhà trọ không tăng giá thuê nhà; có chính sách giảm giá hoặc hỗ trợ vé xe buýt cho CNVC-LĐ; tăng cường chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân”.

Đề cập độ tuổi làm việc, anh Mai Thanh Thảo (Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn) cho rằng: “Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nên giữ nguyên tuổi hưu như hiện tại (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi) vì công nhân trực tiếp sản xuất hơn 60 tuổi là không đủ sức khỏe, khó bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tăng, chỉ nên tăng tuổi hưu đối với những người có học hàm, học vị cao hoặc các văn nghệ sĩ.

Chị Nguyễn Thị Khánh Huyên (Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn) kiến nghị thành phố mở rộng, xây dựng hệ thống trường công lập để con công nhân lao động ngụ cư (có hộ khẩu tạm trú) có cơ hội theo học như trẻ có hộ khẩu thường trú. Mở thêm nhiều trường công bán trú tiểu học và THCS để tạo điều kiện thuận lợi cho con của CNVC-LĐ yên tâm học tập.

Nêu vấn đề thiết thực với cuộc sống hằng ngày, chị Lê Thị Dạ Thảo (Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thép Nguyễn Minh) đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm xây dựng cửa hàng bình ổn giá, cung cấp các mặt hàng có chất lượng để công nhân lao động an tâm về thực phẩm, tạo điều kiện để công nhân lao động mua được hàng Việt Nam chất lượng cao với giá hợp lý. Anh Vũ Văn Hoàn (Công ty cổ phần Dệt lưới Sài Gòn) mong các quận, huyện đầu tư xây dựng các thiết chế nhằm nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động; phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể; có cơ chế hỗ trợ, giảm giá các loại hình văn hóa, nghệ thuật tại nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu… để công nhân có cơ hội tiếp cận.

Đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước hiện nay, anh Lê Trường Thọ (Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi) kiến nghị nên phục hồi các tuyến kênh rạch bị san lấp; cải tạo nâng cấp phục vụ tiêu thoát nước bằng kênh hở; đầu tư đồng bộ hệ thống đê bao khép kín để ngăn lũ, triều cường; đầu tư kinh phí duy tu nạo vét các tuyến kênh rạch, tăng cường năng lực tiêu thoát nước; xây dựng hồ điều hòa có dung tích lớn tại các khu vực trũng, thấp; đầu tư các trạm quan trắc, giám sát mực nước triều, lũ tự động…

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến, CNVC-LĐ tiêu biểu luôn là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào để động viên người lao động thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy trí tuệ, tâm huyết thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan, đơn vị phải huy động nguồn lực xã hội cùng chăm lo cho người lao động, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách đối với người lao động. Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CNVC-LĐ, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng, tạo điều kiện cho CNVC-LĐ có môi trường sinh sống và làm việc tốt nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ghi nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của nhiều CBVC-LĐ, đề nghị các anh chị em CNVC-LĐ tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật hiện đại, hòa nhập, thích nghi với môi trường làm việc mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đến rất gần. Đồng chí mong muốn CNVC-LĐ phát huy trí tuệ, tâm huyết của mình để đóng góp cho sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện bảy chương trình đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng bộ thành phố, đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/33673702-lang-nghe-nguoi-lao-dong.html