Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển xanh, đón nhà đầu tư chiến lược

Phải định hình khung chiến lược phát triển xanh, thiết lập các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia có lợi ích về kinh tế với đóng góp bảo vệ môi trường, tiên phong trong hành động

TP HCM đã có kế hoạch phát triển kinh tế tăng trưởng xanh thuộc phạm vi khá rộng, bao trùm các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Một là, phát triển nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế).

Hai là, xây dựng hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên).

Ba là, phát triển hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh). Bốn là, xác định ngành, lĩnh vực tiên phong (sản xuất công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp xanh - đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, xây dựng Cần Giờ xanh).

Có chiến lược phát triển xanh

Đẩy mạnh lộ trình thực hiện 4 trụ cột này không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn thu hút các nhà đầu tư chiến lược (có năng lực tài chính, khoa học kỹ thuật hiện đại, trình độ công nghệ cao, gắn bó lợi ích lâu dài...). Đặc biệt, đón đầu nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong xanh hóa nền kinh tế, tiêu thụ các sản phẩm sạch, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Vì vậy, điều quan trọng trước tiên là định hình khung chiến lược phát triển xanh, thiết lập các chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) và người dân tham gia có lợi ích về kinh tế với đóng góp bảo vệ môi trường, tiên phong trong hành động.

Chẳng hạn với DN thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ sinh học, ứng dụng AI sẽ được giảm thuế đầu vào, thuế thu nhập, tiền thuê đất cùng với nhiều thuận lợi khác. Tương tự với các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, tái chế, sản xuất các loại bao bì có tính năng tự tiêu hủy thay thế bao ni-lông...

Đồng thời, tăng thuế tiêu thụ đối với các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Một khi được tạo điều kiện thuận lợi, DN tiết kiệm chi phí, giá bán sản phẩm sẽ giảm. Người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy các lợi ích, ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh khi có nhu cầu mua sắm.

Cơ quan chức năng ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các đối tác phối hợp, DN áp dụng và có giá trị đo lường trong thực tế được công nhận phù hợp với khung phát triển xanh.

Chính quyền có thể thiết lập thêm các giải pháp nhằm đa dạng hóa các mô hình phát triển xanh miễn sao bảo đảm mục tiêu đặt ra theo hướng kiến tạo hành lang pháp lý, chính sách phát triển tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân cùng tham gia.

TP HCM đã có kế hoạch phát triển kinh tế tăng trưởng xanh. Ảnh:TẤN THẠNH

Giao thông xanh gắn với quy hoạch, môi trường

TP HCM hiện có khoảng 9 triệu phương tiện (chưa tính xe vãng lai), trong đó hơn 90.300 ô tô và 8 triệu xe máy, tăng gần 4% so với năm 2022. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày có 1.000 phương tiện giao thông được đăng ký mới. Số lượng phương tiện khổng lồ như vậy hẳn sẽ phát ra lượng khí thải rất lớn.

Giao thông xanh sẽ thiết thực hơn nếu làm đồng bộ cùng với các giải pháp hạn chế xe cá nhân và tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông bằng đường riêng, làn ưu tiên. Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đưa vào khai thác càng thuận lợi cho tăng cường xe buýt kết nối, phát triển giao thông công cộng kết hợp tổ chức đi bộ.

Khuyến khích xe điện, kiểm soát có thu phí xe cơ giới. Khoanh vùng triển khai thí điểm hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố và nơi thường xuyên ùn tắc giao thông, sau đó mở rộng dần phạm vi khi đã kết nối giao thông đủ điều kiện.

Phát triển giao thông xanh càng thuận lợi và khả thi hơn nếu đi kèm với các giải pháp tổng hợp triển khai đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, cương quyết thực hiện kiểm soát khí thải các loại phương tiện gây ô nhiễm môi trường nhằm loại bỏ xe cũ nát, kiểm định khí thải không đạt.

Tích hợp giao thông xanh với hoạt động các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đầu tư công… Đưa các yêu cầu phát triển xanh vào tiêu chí các dự án cơ sở hạ tầng, khu dân cư, xây dựng đô thị.

Điển hình "hồi sinh" các kênh, rạch và tách riêng nước thải đưa qua hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra sông, môi trường tự nhiên. Nhân rộng mô hình cải tạo các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm không chỉ giải quyết ô nhiễm nguồn nước mà còn làm đường hai bên có cảnh quan công viên thoáng đãng, mát mẻ.

Đó là các cách làm thiết thực, thúc đẩy phát triển xanh, hoàn toàn trong tầm tay chính quyền và cơ quan chức năng khi triển khai giải pháp áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Giao thông xanh cần làm đồng bộ, đi kèm với các giải pháp hữu hiệu để cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị xanh.

Nguyễn Quốc Cường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-phat-trien-xanh-don-nha-dau-tu-chien-luoc-2023101521094397.htm